Các dự án năng lượng của Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư

Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc giai đoạn 2016-2020 là 10,6%, 8,5% giai đoạn 2021-2025 và 7% giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư năng lượng trong và ngoài nước.

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu với vốn đầu tư 4 tỉ USD

Theo Báo Năng lượng Việt Nam, đầu tháng 2, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, đóng góp tiền thuế trong quá trình xây dựng và đi vào vận hành.

Các dự án năng lượng của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu. (Ảnh: Báo Công Thương).

Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW, trên diện tích đất 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU, hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU (khoảng 100 ha mặt biển) có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 mét khối khí tự nhiên hóa lỏng LNG; Trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 93.600 tỉ đồng, tương đương khoảng 4 tỉ USD. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%, dự án trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay.

Dự kiến, đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án. Trong 36 tháng tiếp theo sẽ triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và xây dựng trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

Tổ hợp dự án khí - điện tại Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư ban đầu 8 tỉ USD và nâng dần lên 15 tỉ USD

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Ban Quản lí Khu kinh tế Vân Phong ở Khánh Hòa đã cho phép Công ty Millennium của Mỹ vào khảo sát, nghiên cứu dự án tại khu vực Vân Phong để nghiên cứu khả thi tổ hợp dự án khí - điện với tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu 8 tỉ USD.

Các dự án năng lượng của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư - Ảnh 2.

Khu vực nam Vân Phong Khánh Hòa có thế mạnh về kinh tế biển. (Ảnh: Báo SGGP).

Công ty Millennium cho biết, dự án Trung tâm LNG (trên 10 triệu mét khối) và Nhà máy điện (công suất 4.800 MW) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỉ USD.

Dự án với diện tích qui hoạch 600 ha được đề xuất thực hiện tại khu vực Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa.

Trong tương lai, Công ty sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu mét khối với vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD.

Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa cho biết ông Nguyễn Khắc Định Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, ý tưởng thực hiện Dự án Trung tâm LNG và Nhà máy điện của Công ty Millennium là phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển công nghiệp tại khu vực này; điều kiện, năng lực của nhà đầu tư cũng rất tốt, thuận lợi để thực hiện dự án.

Tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng thỏa thuận với Công ty Millennium để nhà đầu tư có thể vào nghiên cứu, triển khai dự án, đồng thời mong muốn Công ty sẽ khẩn trương nghiên cứu dự án, bảo đảm tính khả thi cao.

Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 6 tỉ USD

Theo Báo Năng lượng Việt Nam, Ngày 22/7, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 tại Hà Nội, đã diễn ra lễ kí kết biên bản ghi nhớ (MOU), về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, giữa Công ty CP Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế 4.000 MW.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây dự kiến được khởi công xây dựng vào quí 1/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024.

Các dự án năng lượng của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư - Ảnh 3.

Kí biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây. (Ảnh: Báo NLVN).

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây với vốn sở hữu 60% Mỹ, 40% Việt Nam. Khi đưa vào hoạt động, hàng năm, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24-25 tỉ kWh.

Đồng hành với dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho các dự án đầu tư tư nhân của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, cùng với đối tác hàng đầu thế giới về tài chính công nghệ, vận hành, cung cấp khí (nguồn được đảm bảo từ Mỹ) và quản trị doanh nghiệp U.S.Development Finance Corporation (USDFC), U.S. Asia EDGE, Ngân hàng thế giới/IFC, U.S.EXIM Bank, GE Gas Power, Black & Veatch, Baker McKenzie, E&Y, McKinsey và ERM.

Dự án với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 6 tỉ USD hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kì dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ.

Dự án nghiên cứu đầu tư Điện gió ngoài khơi La Gàn Bình Thuận với chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỉ USD

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong khuôn khổ Diễn đàn năng lượng cấp cao tại Hà Nội, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ Thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã Biên bản ghi nhớ (MOU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất lên đến 3,5 GW.

Các dự án năng lượng của Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư - Ảnh 4.

Lễ kết hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi 3,5 GW. (Ảnh: Báo Công Thương).

Là nhà đầu tư và phát triển dự án hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Copenhagen Insfrastructure Partners đã huy động được hơn 10 tỉ USD từ các quỹ chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả quỹ mới nhất CI IV, tổ chức được kì vọng sẽ trở thành quỹ dành cho các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ Thị trường Mới I, CIP đặc biệt hướng vào các nền kinh tế mới đang phát triển nhanh, mà trọng tâm hiện tại chính là thị trường Việt Nam.

Với công suất tiềm năng lên đến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi qui mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực cũng như trên thế giới.

Dự án sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận nền công nghệ điện gió hiện đại và tiên tiến nhất, đồng thời hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia có hệ thống điện với tỉ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao và phát thải carbon thấp.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỉ kWh điện, đến năm 2025 cần 352 tỉ kWh và đến 2035 là 506 tỉ kWh điện.

Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy cần khoảng 60.000MW công suất nguồn điện vào năm 2020 và 130.000MW năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để phát triển lĩnh vực này.

Để Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được triển khai một cách hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn về chính sách, tạo hành lang pháp lí thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên.

Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỉ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỉ USD/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kì, với sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.