Các nước khu vực Mekong, Hàn Quốc nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong 7 lĩnh vực

Ngày 28/9, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 10 diễn ra với sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan tham dự hội nghị. Đoàn Việt Nam còn có đại diện các Bộ Ngoại giao, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Y tế.

Hội nghị tập trung rà soát tình hình triển khai hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong năm vừa qua, thảo luận về định hướng hợp tác thời gian tới và trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực. Các Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm qua, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất (tháng 11/2019 tại Busan, Hàn Quốc), chính thức nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh.

Các nước Mekong, Hàn Quốc nhất trí đẩy mạnh hơn tác 7 lĩnh vực - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 10. (Ảnh: VGP).

Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh những kết quả quan trọng trong triển khai các dự  án hợp tác về xây dựng hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, giáo dục và dạy nghề, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn nước.

Về định hướng hợp tác, các Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên để kiểm soát, ứng phó và giảm thiểu tác động từ đại dịch Covid-19; khuyến khích sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và địa phương; gia tăng sự phối hợp, bổ trợ với ASEAN và các khuôn khổ hợp tác Mekong khác. 

Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong bảy lĩnh vực ưu tiên, gồm: Văn hóa và du lịch; phát triển nguồn nhân lực; nông nghiệp và phát triển nông thôn; hạ tầng cơ sở; thông tin và công nghệ viễn thông; môi trường; các thách thức an ninh phi truyền thống. 

Trên cơ sở Tuyên bố Mekong-sông Hàn của lãnh đạo cấp cao sáu nước (11/2019), các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu và biện pháp cụ thể để cùng phối hợp triển khai nhằm xây dựng Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình.

Hội nghị cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mekong, tội phạm xuyên biên giới và nhất trí thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức chung.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những đóng góp của hợp tác Mekong-Hàn Quốc đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và các nỗ lực chung thúc đẩy kết nối khu vực và phát triển bền vững. 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trước những biến động nhanh chóng của môi trường kinh tế và chính trị quốc tế, hợp tác Mekong-Hàn Quốc cần hỗ trợ các nước thành viên khắc phục khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới, đồng thời nhấn mạnh một số trọng tâm như: Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa; Tăng cường hợp tác về môi trường, quản lý bền vững nguồn nước, nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu; Khuyến khích sự tham gia của các địa phương vào hoạt động hợp tác; Gia tăng gắn kết, bổ trợ với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố Đồng Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hàn Quốc lần thứ 10 và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ hai nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 tới.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...