Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số Bộ, ngành về chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ, theo TTXVN.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành đã rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ; phân tích, dự báo tình hình; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ, về đích năm 2022 và chuẩn bị điều kiện thực hiện các nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành phải chủ động nắm chắc tình hình cả trong nước và quốc tế, nhất là diễn biến thị trường tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác của Chính phủ hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và đề xuất các cơ chế xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Riêng với bất động sản, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, rà soát các dự án bất động sản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thủ tục đầu tư; thúc đẩy xây dựng, quản lý quy hoạch; xử lý dứt điểm các dự án đang bị ách tắc.
Bên cạnh đó, cần sửa quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất, rà soát đánh giá lại tác động của chính sách này và đề xuất phương án chuyển nguồn này cho mục tiêu khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu có giải pháp hạn chế rủi ro về đầu tư nước ngoài; giải pháp cho thị trường trái phiếu phát triển công khai, minh bạch.
Thủ tướng nhắc Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung vào ba đột phá chiến lược và ba động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Các ngân hàng phải lo thanh khoản, cung ứng vốn cho nền kinh tế; đảm bảo cân bằng giữa tỷ giá với lãi suất, giữa thúc đẩy tăng trưởng với kiềm chế lạm phát.
Các tổ chức tín dụng phải đáp ứng yêu cầu chi trả của thị trường, nhất là thị trường trái phiếu, bất động sản trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; cơ cấu lại hạn mức vay, lãi suất; giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay cho người dân và doanh nghiệp.
“Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước phải dùng công cụ quản lý để bảo đảm ổn định tình hình theo đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chống đầu cơ, lợi dụng chính sách để trục lợi”, Thủ tướng nhắc nhở.