Cách đại gia Thái 'gom' dự án năng lượng ở Việt Nam

Nếu tính cả 4 nhà máy của Hưng Hải Group, Super Energy Corporation đã mua 14 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam từ 1 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhóm nhà đầu tư trong nước.

Cách đại gia Thái 'gom' dự án năng lượng ở Việt Nam - Ảnh 1.

SEC công bố đã mua 14 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam với tổng công suất 1.458MW.

Văn phòng Chính phủ ngày 8/6/2020 có công văn số 4564 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thông tin phản ánh về việc Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) của Thái Lan thâu tóm các dự án nhiệt điện mặt trời tại Bình Phước. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nêu trên đề xuất giải pháp quản lí phù hợp, đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.

Cuối tháng 3/2020, giới đầu tư trong nước xôn xao trước thông tin HĐQT SEC thông qua nghị quyết về việc mua 4 dự án điện mặt trời có tổng công suất lắp đặt 750MW tại Lộc Ninh, Bình Phước, với tổng giá trị thương vụ là 456,7 triệu USD, trong đó 76,05 triệu USD, tương đương gần 1.800 tỉ đồng để mua cổ phần trong 4 pháp nhân sở hữu các doanh nghiệp dự án CTCP Năng lượng Lộc Ninh và CTCP Năng lượng Lộc Ninh 2,3,4.

Cụm nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh do Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư, gồm 5 nhà máy kí hiệu từ Lộc Ninh 1-5, là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam.

Trả lời Nhadautu.vn vào thời điểm đó, Chủ tịch Hưng Hải Group, ông Trần Đình Hải khẳng định không có chuyện tập đoàn này bán dự án cho Thái Lan, và sẽ có công văn gửi SEC để làm rõ những thông tin sai sự thật.

Tuy nhiên cuối tháng 5 vừa qua tại Trung Quốc, giới truyền thông nước này đưa tin ông Jormsup - Chủ tịch Tập đoàn SEC và đối tác Trung Quốc là ông Ji Xiaoyong - Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc và ông Feng Shurongm - Chủ tịch Central South Institute, đã kí kết hợp đồng EPC cho các nhà máy Lộc Ninh 1 (200MW), Lộc Ninh 2(200MW) và Lộc Ninh 3 (150MW). Phạm vi của hợp đồng là thiết kế, mua sắm và xây dựng các dự án phát triển điện mặt trời với tổng công suất 550MW.

SEC là tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan. Khoảng hai năm trở lại, tập đoàn này bày tỏ sự hứng thú đặc biệt đối với thị trường năng lượng Việt Nam, khi mà Chính phủ khuyến khích nguồn vốn tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Báo cáo tài chính của SEC thể hiện ngoài 4 dự án Lộc Ninh, tập đoàn này hiện còn sở hữu 10 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, gồm 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 287MW là dự án Phan Lâm 1 (36,72MW) và Bình An (50MW) tại Bình Thuận, Văn Giáo 1 (50MW), Văn Giáo 2 (50MW) tại An Giang, Sinenergy (50MW) ở Ninh Thuận và Thịnh Long (50MW) tại Phú Yên; cùng với đó là 4 dự án điện gió có công suất 421MW, gồm Công Lý Sóc Trăng (30MW), Công Lý Bạc Liêu (141MW), HBRE Phú Yên (200MW) và HBRE Gia Lai (50MW).

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy ngoại trừ dự án Sinenergy Ninh Thuận mua từ một nhà đầu tư Singapore, 9 dự án còn lại đều mua từ các nhóm nhà đầu tư trong nước.

CTCP Năng lượng Xanh Nam Việt

Dự án Điện mặt trời Phan Lâm 1 do Công ty TNHH MTV Nam Việt Phan Lâm làm chủ đầu tư, còn dự án Điện mặt trời Bình An 1 là Công ty TNHH Năng lượng Everich Bình Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều có vốn điều lệ ban đầu là 5 tỉ đồng và cùng là công ty con của CTCP Năng lượng Xanh Nam Việt.

Năng lượng Xanh Nam Việt được thành lập tháng 9/2015, chỉ nửa năm trước thời điểm Quy hoạch điện VII được điều chỉnh, bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo, cho thấy tầm nhìn của giới chủ doanh nghiệp này.

Vốn điều lệ ban đầu của Nam Việt là 22 tỉ đồng, trước khi tăng vốn nhiều lần và đạt 700 tỉ đồng vào tháng 2/2018. Các cổ đông sáng lập là ông Đinh Dương Chiến (60%), ông Nguyễn Tấn Hưng (20%) và ông Trần Quốc Bình (20%).

Ngoài bộ đôi dự án đã bán cho SEC, Năng lượng Xanh Nam Việt còn giới thiệu đang sở hữu Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2 (49MW) cùng ba dự án chuẩn bị đầu tư là ĐMT Sóc Trăng 1 (50MW), Sóc Trăng 2 (30MW) và Lộc Tấn (150MW).

Là nhà đầu tư có tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, song các ông chủ của Nam Việt trước đó cũng được biết đến nhiều trong mảng cung cấp thiết bị công nghệ, với Công ty TNHH Mạng Hoàn Cầu.

Mạng Hoàn Cầu được thành lập năm 2007, ban đầu thuộc sở hữu của ông Đinh Dương Chiến. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp này có vốn 37 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông pha loãng hơn, gồm ông Chiến giảm mạnh về 26,95%, bà Nguyễn Thị Lan (4,05%), ông Nguyễn Tấn Hưng (31%) và ông Đinh Nam Thắng (38%).

Mạng Hoàn Cầu từng tham gia nhiều công trình lớn như Trụ sở mới Bộ Ngoại Giao, Bệnh viện Phương Chi - Bình Dương hay Nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang. Ở một thương vụ ít biết, Mạng Hoàn Cầu ngày 2/4/2013 đã kí hợp đồng cung cấp thiết bị an ninh với Chi nhánh Công ty TNHH MTV BCA-Thăng Long có giá trị 45,6 tỉ đồng.

Trở lại với bộ đôi dự án điện mặt trời Phan Lâm 1 và Bình An. Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, cả hai dự án đều hoàn thành vào cuối tháng 6/2019, kịp hưởng mức giá mua FIT 9,35 UScent/kWh. Tuy nhiên, trên thực tế các dự án này đã được tập đoàn SEC mua lại từ trước đó khá lâu, thậm chí trước cả thời điểm khởi công, với dự án Phan Lâm 1 là tháng 11/2018, còn Bình An là từ tháng 12/2018 (mua 100% vào tháng 5/2019).

Trong số các dự án vẫn thuộc sở hữu của Năng lượng xanh Nam Việt có dự án Điện mặt trời Phan Lâm 2 công suất 49MW do Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm làm chủ đầu tư, được chấp thuận chủ trương từ giữa năm 2018. Tuy nhiên không hẳn là ông Đinh Dương Chiến và các cộng sự không có ý định bán dự án này.

Ngày 15/8/2019, Năng lượng Xanh Nam Việt, ông Đinh Dương Chiến đã kí Biên bản ghi nhớ bán toàn bộ phần vốn trong Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm, Công ty TNHH Nam Việt Phan Lâm và Công ty TNHH Năng lượng Everich Bình Thuận cho Công ty TNHH Sun Boweite Solar - một doanh nghiệp có trụ sở ở Mỹ song lại thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Ninh Ba Powerway.

Thương vụ sau đó không thành, Năng lượng Xanh Nam Việt đã bán hai dự án cho SEC của Thái Lan như đã biết, còn Ninh Ba Powerway quay sang mua bộ đôi dự án điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, Tây Ninh, như Nhadautu.vn đã đề cập cách đây không lâu, để rồi sau đó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo làm rõ.

The Green Solutions

Bộ đôi nhà máy điện mặt trời Văn Giáo do Công ty TNHH Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 5/2018, có vốn điều lệ 400 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH The Green Solutions nắm 96%, bà Huỳnh Thị Kim Quyên (chủ sở hữu Green Solutions) có 4% còn lại.

Tháng 10/2018, Văn Giáo giảm mạnh vốn về còn 15 tỉ đồng, tới tháng 3/2019, Super Solar Energy (HongKong2) của SEC mua 51% cổ phần, rồi lần lượt nâng lên 70% và 85% vào tháng 5 và tháng 7/2019.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên sinh năm 1971, là doanh nhân có tiếng ở TP HCM với thương hiệu Queen Food (Công ty TNHH Thực phẩm Nữ Hoàng) thành lập năm 2008. 

Queen Food hiện có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, ban đầu chuyên về xuất khẩu hải sản, thực phẩm cho các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á. Hiện nay, doanh nghiệp này kinh doanh trong lĩnh vực phân phối thực phẩm sinh dưỡng với hệ thống của hàng, đại lí chủ yếu tại TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, nữ doanh nhân năm nay 49 tuổi còn hoạt động trong lĩnh vực đại lí du lịch, trung tâm giải trí. Dù vậy, cuộc chơi lớn nhất của bà Kim Quyên phải là năng lượng tái tạo.

The Green Solutions được bà Quyên thành lập tháng 9/2016. Ngoài Nhà máy điện Văn Giáo đã bán cho Thái Lan, Green Solutions còn đầu tư vào cả chục doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với số vốn lên tới cả nghìn tỉ đồng, chẳng hạn như CTCP Năng lượng Xanh Phong Điền, CTCP Năng lượng Xanh Gio Mỹ, CTCP Năng lượng Xanh Gia Lai, CTCP Cộng đồng Xanh Thông minh.

Thịnh Long Phú Yên

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên được chấp thuận đầu tư vào ngày 17/8/2018, có công suất 50MW, diện tích dự án 59ha, vốn đầu tư 1.173 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 240 tỉ đồng.

Doanh nghiệp dự án - CTCP Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên được thành lập trước ngày cấp phép dự án chừng hai tháng, có vốn 240 tỉ đồng, gồm hai cổ đông chính là CTCP Nhựa Châu Âu (45%) và CTCP Đầu tư Thương mại Thịnh Long.

Dự án này, bởi vậy, có thể coi là sự hợp tác giữa hai nhà đầu tư CTCP Nhựa Châu Âu (Europlast) là Thịnh Long Group.

Trong đó, Europlast được thành lập năm 2007, thuộc sở hữu chi phối của doanh nhân Hoàng Quốc Huy. Doanh nghiệp này tự giới thiệu là một trong 5 nhà sản xuất hạt độn nhựa filler masterbatch hàng đầu thế giới, cung cấp cho hàng nghìn khách hàng tại 70 quốc gia. Lợi thế của Europlast là sở hữu CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái - nhà sản xuất bột đá (nguyên liệu đầu vào) khá lớn ở huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Song song với khoản hợp tác cùng Thịnh Long Group tại Phú Yên, doanh nhân Hoàng Quốc Huy không giấu diếm tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi thành lập CTCP Đầu tư Năng lượng Europlast vào tháng 11/2017. Năng lượng Europlast và công ty mẹ Europlast là hai cổ đông thành lập CTCP Điện mặt trời Europlast Phú Yên - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời cùng tên tại huyện Phú Hoà có công suất 50MW; ngoài ra còn có dự án điện mặt trời Europlast Long An tại huyện Đức Huệ có quy mô tương tự. Tuy nhiên trong năm 2019, Europlast đã bán 76,67% cổ phần dự án này cho Tập đoàn Sao Mai (ASM).

Về CTCP Đầu tư Thương mại Thịnh Long, doanh nghiệp này là thành viên của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Thịnh Long (Thịnh Long Group) - một doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, tư vấn du học, nhà thầu xây lắp, bất động sản và nay là cả năng lượng tái tạo.

Trung tuần tháng 4/2020, Thịnh Long Group tăng mạnh vốn từ 6 tỉ đồng lên 428 tỉ đồng. Trong đó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Kim Hoa có 26%, Tổng giám đốc Trần Thị Thu Hương nắm 26% và Kế toán trưởng Lý Thu Hằng là cổ đông lớn nhất với 38%.

Ngoài Thịnh Long Group, bà Nguyễn Thị Kim Hoa hiện còn đứng tên Tổng giám đốc tại CTCP Tập đoàn Khai thác Đầu tư năng lượng Thành Đạt hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất điện.

Trở lại với dự án điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên, ngày 20/1/2020, Super Solar Energy (Hongkong3) - công ty con của SEC Group đã mua lại 100% cổ phần từ các cổ đông sáng lập.

Super Wind Công Lý

Bộ đôi dự án Super Wind Công Lý Sóc Trăng và Super Wind Công Lý Bạc Liêu đúng như tên gọi, là sự hợp tác giữa SEC Group và Công ty TNHH Xây dựng Thương Mại Du lịch Công Lý (Công Lý Group) của đại gia miền Tây Tô Hoài Dân.

Các doanh nghiệp dự án Công ty TNHH MTV Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng và CTCP Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu do Công Lý Group thành lập từ cuối năm 2017 và bán lại cổ phần chi phối cho SEC từ tháng 3/2018 - 5/2019.

Ở miền Tây, ông Tô Hoài Dân được biết đến với biệt danh đại gia điện gió, khi doanh nhân này thông qua Công Lý Group đầu tư một loạt dự án điện gió lớn, ngoài hai dự án nêu trên còn phải kể tới dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long công suất 100MW, vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng tại Cà Mau. Đầu năm 2018, Công Lý Group đã hợp tác với SEC thành lập CTCP Super Wind Energy Công Lý 1 để thực hiện dự án, song pháp lí dự án tới nay vẫn chưa hoàn tất.

Cuối tháng 3/2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Tô Hoài Dân cùng con trai Tô Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án Nhà máy xử lí rác thải TP Cà Mau.

Trước đó một tuần, Công ty Công Lý đã giảm mạnh vốn điều lệ từ 2.900 tỉ đồng về còn 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Tô Hoài Dân chiếm 70,12%, ông Tô Công Lý có 29,88%.

Dù lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lí, song dự án nhà máy điện gió Công Lý Bà Rịa - Vũng Tàu công suất 102,6MW, vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng của Công Lý Group vừa qua nằm trong danh sách 91 dự án điện gió được bổ sung vào Quy hoạch điện VII.

HBRE Group

Hai dự án cuối cùng có tổng công suất 250MW là HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai của HBRE Group - tập đoàn đang lên rất nhanh trong mảng năng lượng tái tạo thuộc sở hữu của doanh nhân Hồ Tá Tín.

Các doanh nghiệp dự án ở Phú Yên và Gia Lai được HBRE thành lập vào cuối năm 2017, và bán lại cho SEC đầu năm 2019.

Ngoài hai dự án đã bán cho Thái Lan, HBRE đã hoàn thành dự án điện gió 28,8MW ở Đăk Lăk và đang tiến hành hai dự án quy mô lớn là điện gió 120MW ở Hà Tĩnh và 500MW ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó dự án điện gió Hà Tĩnh vừa qua đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII.

chọn
Thị trường bất động sản tiềm ẩn yếu tố bất thường
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản có phục hồi nhưng còn chậm và tiềm ẩn một vài yếu tố bất thường. Giá tăng quá nhanh và neo cao khiến người dân lưỡng lự, chưa quyết định vay mua lúc này.