Dân bức xúc vì bị chính quyền cưỡng chế, phá hết hoa màu (Ảnh: Bảo Bình) |
Nhiều ngày qua, 19 hộ dân thuộc xã Tân Hưng (huyện Tân Châu, tỉnh Tân Ninh) đã làm đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về việc bị UBND xã Tân Hưng, UBND huyện Tân Châu thi hành cưỡng chế đất để xây dựng Nhà máy điện Mặt trời Dầu Tiếng 1,2,3 nhưng không đền bù thỏa đáng.
Ông Dương Văn Hải (ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết, UBND xã Tân Hưng đã cưỡng chế đất nông nghiệp và thuê máy càng xới tung nhiều hecta hoa màu, khoai, mì, cây cao su…để lấy đất bàn giao cho Công ty TNHH MTV Xuân Cầu để xây dựng dự án Nhà máy điện Mặt trời Dầu Tiếng 1,2,3.
“Đất được gia đình chúng tôi khai hoang và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 40 năm qua.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không bồi thường mà chỉ hỗ trợ đất đai, hoa màu trên đất là không đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, chúng tôi đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có quá trình sử dụng đất từ năm 1976 đến nay”, ông Hải nhấn mạnh.
Cụ thể, UBND xã Tân Hưng cùng Công ty Xuân Cầu chỉ hỗ trợ đất, hoa màu với giá 29.000.000/ha và 52.000.000/ha.
“Đất sản xuất của gia đình tô và các hộ dân đi khai khẩn theo chủ trương của Nhà nước, không có tranh chấp, hiện giá đất tại địa phương là 500.000.000/ha.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ hỗ trợ 1 phần đất, hoa màu là không đúng quy định”, ông Dương Văn Sưởng (SN 1965, ngụ xã Tân Hưng) nói.
Trong khi đó, ông Hải khẳng định hoàn toàn đồng ý và không phản đối việc nhà nước thu hồi đất vì lợi ích cộng đồng.
“Tuy nhiên, việc bồi thường đất chưa hợp lý, việc cho xe lu đến phá nát hoa màu của người dân là vi phạm rất nghiêm trọng”, ông Hải bức xúc.
Dù chưa được đền bù đất với giá hợp lý nhưng 19 hộ dân nói trên đã bị lực lượng chức năng ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất. Trong khi còn 2 tháng nữa là đến mùa thu hoạch khoai, mì.
“Trước đó, chúng tôi xin UBND huyện Tân Châu 2 tháng để kịp thu hoạch khoai, sắn nhưng không được UBND huyện chấp thuận. Bên cạnh đó, UBND đã lệnh chỉ đạo lực lượng xuống cưỡng chế, cày bới khoai mì của người dân”, ông Hải thông tin.
Theo người dân nhiều cây cao su bị đốn hạ. (Ảnh: Bảo Bình). |
Theo anh Vũ (ngụ xã Tân Hưng) cho biết, phía UBND huyện Tân Châu đã đào bới, phá nát hàng chục hecta khoai mì, hoa màu của gia đình với thiệt hại nhiều tỉ đồng.
“Trong lúc đối thoại với người dân, lực lượng chức năng đã xảy ra mâu thuẫn nên công an huyện đã bắt giữ, khống chế 1 số người dân.
Người dân sau đó đã đến nhà Chủ tịch UBND huyện Tân Châu để phản ánh bức xúc, yêu cầu thả người. Không thấy ai ra, nhiều người đã quỳ xuống để gây áp lực. Sau đó, công an thả người thì những người trên đã ra về”, anh Vũ nói.
Ông Nguyễn Tân Phong (56 tuổi, ngụ xã Tân Hưng) cho biết, thời điểm UBND huyện Tân Châu cưỡng chế thì người dân xã Tân Hưng đã đưa quyết định mới của Ban tiếp dân Trung ương yêu cầu tỉnh Tây Ninh xem xét giải quyết.
Lúc này, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu chỉ đạo dừng cưỡng chế và gọi người dân đến UBND xã Tân Hưng để họp.
“Trong cuộc họp trưa 14/7, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch khoai, mì. Tuy nhiên, khi người dân đang họp thì lực lượng cưỡng chế đã cày bới, phá nát nhiều hecta khoai mì, cao su…”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, người dân không có chống đối mà bức xúc vì Chủ tịch UBND huyện đồng ý cho người dân thời hạn 2 tháng để thu hoạch mì nhưng lại thất hứa. Chính vì thế, sự việc người dân đến nhà Chủ tịch UBND huyện là để bày tỏ sự bức xúc.
Theo người dân hoa màu sắp đến kì thu hoạch đều bị cưỡng chế gây thất thu. (Ảnh: Bảo Bình) |
Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực được cho là xảy ra tranh chấp giữa chính quyền địa phương và người dân. Tại đây, khu đất đã được rào lưới B40 và không cho người lạ vào bên trong.
Tại đây nhiều hecta hoa màu của người dân đã bị cày xới, hư hỏng và chôn vùi trong đất. Phía bên ngoài có nhiều công nhân trông giữ, nhiều cây cao su bị cưa ngã…
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu khẳng định làm đúng theo quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh. Theo bà Thành, dự án nằm giai đoạn 1, máy trạm trung tâm điều khiển 146 hecta.
“Ngày 25/6 sẽ kết thúc việc cưỡng chế đất để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp nhưng kéo dài đến 18/7. Còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên buộc cưỡng chế, giao mặt bằng đúng thời hạn là ngày 21/7”, bà Thành khẳng định.
Nhiều cuộn lưới được để sẵn để rào lại khu vực làm nhà máy điện mặt trời. (Ảnh: Bảo Bình) |
Bà Thành cho hay, việc cày xới đất trồng khoai, mì của người dân thực hiện đúng quy định.
“Một số trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND huyện Tân Châu không cưỡng chế. Chỉ thực hiện một số đất của các hộ dân chưa có quyền sử dụng đất.
Riêng diện tích có giấy chứng nhận Xã Tân Hưng có 11 trường hợp, Tân Phú có 28 trường hợp. Trong hôm nay huyện sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh Tây Ninh xin chủ trương xử lý”, người này nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc hỗ trợ như các hộ dân phản ánh là thỏa thuận của nhà đầu tư với 30 triệu/hecta. “UBND huyện Tân Châu thu hồi đất của tổ chức chứ không phải của người dân theo Luật đất đai.
Đây là chính sách của tỉnh đưa xuống chứ huyện chỉ thực hiện”, vị đại diện UBND huyện Tân Châu khẳng định.
Vụ bí thư huyện ủy vào nhà nghỉ 'thăm bệnh' nữ cán bộ: Sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm
Ủy Ban kiểm tra tỉnh ủy đã có báo cáo ban đầu việc Bí thư huyện ủy Krông Ana vào nhà nghỉ thăm bệnh nữ ... |
Hai bảo vệ rừng xảy ra xô xát, một người bị chém trọng thương
Trong lúc làm nhiệm vụ, 2 người trong ca trực bảo vệ rừng thuộc Tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng Thanh Bình tại ... |
Tiêu dùng 16:02 | 07/07/2019
Tiêu dùng 16:43 | 02/07/2019
Thời sự 17:45 | 02/03/2019
Thời sự 11:07 | 28/12/2018
Pháp luật 04:24 | 09/12/2018
Kinh doanh 04:32 | 17/11/2018
LGBT 07:13 | 11/10/2018
Pháp luật 03:09 | 18/09/2018