Cải tạo hai bên sông Hồng: Giấc mơ sông Hàn khi nào thành hiện thực?

“Với tình trạng này thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng. Đi từ Long Biên sang bên này, nhìn hai bờ sông như 2 đống rác. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm vẫn tiếp tục”, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá.
avatar_1574067397314

"Đi từ Long Biên sang bên này, nhìn hai bờ sông như 2 đống rác"

Giấc mơ sông Hàn nay còn đâu

Sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, nếu vẫn cứ để luật cũ thì sẽ không phát triển được. Ông nhớ lại cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án, phối hợp với Hàn Quốc cải tạo hai bên bờ sông Hồng, mong muốn làm sao đẹp như sông Hàn, có 2 tuyến đường chạy dọc sông.

Thế nhưng, cuối cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quan điểm, cho là vi phạm hành lang thoát lũ, do đó không khả thi, toàn bộ dự án “đắp chiếu” cho tới ngày nay.

“Với tình trạng này thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng. Đi từ Long Biên sang bên này, nhìn hai bờ sông như 2 đống rác. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm vẫn tiếp tục. Từ ngày đó tới nay, số lượng nhà tăng gấp đôi, lượng dân cư tăng gấp đôi, đến bây giờ không kiểm soát được”, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho hay.

Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra và càng ngày càng mạnh, lan từ huyện Thanh Trì, sang Đan Phượng, dọc 2 bên bờ sông kín mít hết, người dân cứ tự phát xây dựng.

“Đây là những vấn đề mà Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới thay đổi bộ mặt được”, ông Hải đề nghị.

Dùng thiên tai để…xoá nợ?

Cũng liên quan tới tình trạng sạt lở bờ sông, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) lưu ý tình trạng khai thác, san lấp, xây dựng làm xói mòn, sạt lở bờ sông. “Có lúc thiên tai chỉ 5, nhưng vì con người nên thành ra 10”, ông Nghĩa đánh giá.

“Ông khai thác cát bỏ tiền vào túi, còn sạt lở bờ sông dân gánh chịu. Rồi sau đó nhà nước dùng ngân sách để khắc phục. Có tình trạng dùng thiên tai để xoá nợ, mỗi đợt thiên tai có một số người vui vẻ vì được xoá nợ”, đại biểu đoàn TP HCM đề nghị luật phải thiết kế, làm rõ trách nhiệm cụ thể trong phòng chống thiên tai.

Hiện tượng sạt lở thường có hai nguyên nhân: Một là do biến đổi dòng chảy (do thiên nhiên), hai là do con người khai thác bừa bãi. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM băn khoăn trong việc phân định nguyên nhân gây sạt lở.

“Cũng giống như thuỷ điện, mỗi lần xả nước đều nói đúng quy trình, nhưng mỗi lần xả là gây thiệt hại cho hạ du. Vậy ai là người chịu trách nhiệm? Chủ đầu tư chịu trách nhiệm hay ai? Xây dựng mà lấn sông, lấn biển thì ai sẽ chịu trách nhiệm?...”, đại biểu cho rằng, nếu không đưa vào luật thì quyền và lợi ích của người dân không được bảo vệ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.