Thấy chữ tiếng Việt rắc rối, PGS.TS Bùi Hiền, Nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội tự mày mò nghiên cứu công trình cải tiến chữ quốc ngữ. Công trình đang dang dở nhưng lại được một tờ báo nhanh nhảu đưa lên, khiến dư luận hiểu nhầm, kẻ khen, người ra sức công kích phê phán. “Tôi đã 83 tuổi. Mấy hôm nay có lúc huyết áp lên cao phải uống thuốc nhưng đây là công trình nghiên cứu cá nhân, thấy khả thi thì tôi tiếp tục”, ông nói.
Dư luận hiểu nhầm
PGS TS Bùi Hiền thông tin, tháng 9/2017, ông tham gia Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc tổ chức ở Bình Định, Quy Nhơn. Bản báo cáo của ông được in cùng hàng trăm báo cáo khác trong hội nghị. Bẵng đi một thời gian, gần đây, PV một tờ báo hỏi xin ý kiến của ông về việc đăng thông tin nội dung báo cáo lên báo. Tuy nhiên, do nội dung đăng thông tin không đầy đủ khiến dư luận hiểu nhầm công trình của ông chắc phải là đề án cấp nhà nước và đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận dẫn đến có nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, nhiều người đã “ném đá” và cho ông là “điên khùng”. Mấy hôm nay, phải nói chuyện nhiều quá có lúc huyết áp tôi lên tận 190 và phải uống thuốc. “Tuy nhiên, vì là một nhà khoa học, nếu ai có ý kiến tốt tôi sẽ tiếp nhận còn những ý kiến khác tôi không để ý để tiếp tục nghiên cứu”, ông nói.
PGS khẳng định, đề án cải tiến chữ quốc ngữ là dự án cá nhân được ông nghiên cứu từ năm 1995 và đã nhiều lần báo cáo. Khi đưa ra báo cáo, nhiều nhà khoa học góp ý: Đây là vấn đề phức tạp, động chạm đến toàn xã hội nên cẩn trọng. “Nói thật, trong giới ngôn ngữ, ai cũng biết, tiếng Việt hiện nay rối quá. Bản thân tôi thấy rằng, nếu nó phức tạp và rối thì mình cần phải nghiên cứu để nó đơn giản hơn và tôi tự mày mò nghiên cứu một mình và cũng không phải là đề án do nhà nước cấp tiền”. ông nói.
Luyện chữ cho bé (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Hiền cũng cho biết, trước khi nghiên cứu, ông cũng biết việc này rất khó và từng có nhiều phương án bất thành. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu ông lại thấy khả thi nên làm tiếp. “Hơn nữa, tôi làm theo phương pháp khoa học, không áp đặt nên hiệu quả đến đâu thì cần có đánh giá. Trên thực tế, tuy không có công trình nghiên cứu nào nhưng nhiều người đã cải tiến chữ quốc ngữ cho đơn giản hơn.
“Không phải việc cần bàn hiện nay”
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, ông trân trọng công sức nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền. Tuy nhiên, cũng không vì trân trọng mà chúng ta phải coi đó là việc cần bàn hiện nay. Kể cả mọi người cũng nên bình tĩnh, không có chuyên môn thì không có cơ sở để bàn hay “ném đá” sản phẩm nghiên cứu đó.
Theo PGS TS Phạm Văn Tình, báo cáo của ông Hiền nằm trong số hơn 300 báo cáo gửi đến hội thảo hồi tháng 9 và ông chính là người biên tập. Khi đọc, bản báo cáo không gây ấn tượng vì chuyện đó đã được mang ra bàn đi bàn lại quá nhiều rồi nên ông không mời PGS TS Bùi Hiền đọc trong hội thảo nữa.
Trong số hàng trăm báo cáo, mỗi người có một ý kiến đề xuất, đó là việc bình thường, quyền của người ta. Còn đề án của PGS TS Bùi Hiền theo ông không có tính khả thi bởi vì chữ quốc ngữ đã tồn tại hàng trăm năm nay và định hình, thay đổi nó kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng khó.
Theo PGS Tình, phương án của ông Hiền được duy nhất một điểm là nhắc lại cho mọi người biết chữ quốc ngữ đang có điều bất hợp lý, chỉ vậy thôi. Nó giống như chúng ta nhắc lại chuyện các phố cổ hiện nay đang có bất hợp lý và cần quy hoạch lại. Còn việc quy hoạch phố cổ thế nào thì giống y như đề xuất này đưa ra, là việc khó hơn lên trời.
Riêng chuyện bất hợp lý của chữ quốc ngữ thì chúng ta đã bàn đến lâu rồi. Trước đây, cũng đã từng có nhiều dự án cải tiến chữ quốc ngữ còn lớn hơn đề xuất này nhiều nhưng rồi không đi đến đâu. Vì thế, đề xuất này với chúng tôi không có gì lạ cả. Mọi người cứ bình tâm, chữ quốc ngữ đang đồng hành cùng tiếng Việt và chắc chắn không ai có thể thay đổi được. Cho nên ý kiến đó chỉ là ý kiến, một nghiên cứu cá nhân mà thôi.
Cũng theo PGS Tình, như mọi người thấy, ông Hiền mới chỉ công bố bước đầu và còn tiếp tục nghiên cứu công trình của mình. Nếu muốn đánh giá công trình, phải có chuyên gia đọc đề án, có những đánh giá về cơ sở luận cứ, luận điểm của tác giả thế nào và phương án họ đưa ra đến đâu. Còn như thời điểm này mà nói điều bất hợp lý của đề xuất này cũng chưa thể nói được. Nếu không phải là người có chuyên môn kể cả giới ngôn ngữ học không phải ai cũng bàn được.
Vì thế, theo tôi dư luận nên bình tâm đón nhận ý kiến mà PGS TS Bùi Hiền đưa ra, bởi đó là việc bình thường. Giới ngôn ngữ học của chúng tôi hiện quan tâm đến những vấn đề bức xúc hơn rất nhiều. Ví dụ, như là việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài vào Việt Nam, chuyện thể hiện chuẩn xác các loại văn bản trên báo chí, văn bản hành chính nhà nước sao cho phù hợp và việc tiếng Việt sử dụng thế nào cho tốt. Chứ còn việc đề xuất này quá xa vời và quá khó khả thi, tiếp nó như câu chuyện vui mà thôi.
Trao đổi với PV, GS TS Trần Trí Dõi, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sau sự việc công trình nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền đưa lên mạng, ông nhận thấy dư luận, báo chí đang làm sự việc “nóng” lên một cách không đáng có. Tuy nhiên, theo GS, vấn đề này người ta đã mang ra bàn hơn nửa thế kỷ nay rồi, đến nay vẫn có đề xuất cải tiến thì không có gì mới. “Chuyện thay đổi chữ viết Tiếng Việt như thế này liên quan đến cả vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, chính sách, không hề đơn giản”, ông nói.
GS TS Đinh Văn Đức, chuyên gia chuyên ngành ngôn ngữ học cho biết, tuy là người trong giới, từ khi xảy ra sự việc đã có hàng chục tờ báo liên hệ nhưng ông không tham gia tranh luận liên quan đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS TS Bùi Hiền.
Bị dư luận làm “nóng” một cách không đáng có Trao đổi với PV, GS TS Trần Trí Dõi, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sau sự việc công trình nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền đưa lên mạng, ông nhận thấy dư luận, báo chí đang làm sự việc “nóng” lên một cách không đáng có. |