Du khách bỏ tiền để được đi vớt rác, chuyện khó tin nhưng có thật ở Hội An | |
Vợ người lính Gạc Ma một mình nuôi 4 con học đại học |
Ông Định bị mìn nổ khiến chân phải cụt tới gần háng, đôi mắt mù. Ảnh: Quang Nam |
Dẫm mìn khiến người đàn ông cụt chân, mù mắt
Chúng tôi đến TP Hội An vào một ngày đầu tháng 4 để tìm gặp ông Phạm Văn Định (61 tuổi) ngụ xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là nạn nhân của mìn nổ.
Giữa con phố Lê Lợi đông đúc người qua đường, ông Định ngồi để chiếc nạn trên người rao: “Ai mua dầu không, dầu chữa trị phong tê thấp, mệt mỏi. Có ai mua không?”.
Tiếng rao khàn đục khiến bao vị khách Tây chú ý tiến lại gần ông Định xem hàng hóa. Như cảm nhận được có ai đứng bên mình, ông Định nở nụ cười tươi, nói tiếng Việt rồi “bồi” vài câu tiếng Anh để thuyết phục khách mua.
Trong giây phút nghỉ ngơi, ông Định đã chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời mình. Theo lời ông Định, lúc mới sinh ra cơ thể ông lành lặn như bao người. Tuy nhiên, năm 12 tuổi, biến cố đã đến với ông mà mỗi khi nằm xuống nghĩ lại khiến ông rưng rưng nước mắt.
Ông Định chống nạng khập khiễng đi rao bán dầu xoa cho khách du lịch tại TP Hội An. Ảnh: Quang Nam |
“Khi đó tôi đi ra đồng chăn trâu thuê, tình cờ thấy một quả tròn mà không biết đó là mìn. Tôi không chú ý mà dẫm lên rồi bất ngờ một tiếng nổ inh tai vang lên khiến tôi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình được đưa vào bệnh viện cấp cứu do mìn nổ, chân phải tôi bị cụt tới gần háng, đôi mắt mù đen”, ông Định bùi ngùi nhớ lại.
Những ngày nằm viện, ông Định khóc, oán trách ông trời đã gieo lên mình nỗi đau quá lớn. Ông chỉ muốn chết đi để giải thoát số phận. Thế rồi, những ngày ở viện dài đằng đẵng cũng qua, chân và mắt ông lành hẳn nên chuyển đến cô nhi viện tại Đà Nẵng nương nhờ. Ông Định được dạy làm quạt, tăm tre để có kế sinh nhai.
“Tại cô nhi viện, tôi tình cờ gặp được vợ tôi cũng là nạn nhân của bom mìn. Cô ấy bị cụt hai chân, phải đi lại bằng chân giả. Bằng sự chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống hằng ngày, tình yêu thương đã hàn gắn nỗi đau mà chúng tôi gánh chịu”, ông Định chia sẻ.
Mỗi ngày ông Định bán dầu cho khách lời khoảng 50 đến 70 nghìn đồng. Ảnh: Quang Nam |
Ban giám đốc cô nhi viện khi đó đã làm đám cưới nhỏ cho vợ chồng ông Định rồi để cả hai về lại quê nhà ở xã Duy Sơn sinh sống. Hằng ngày, ông Định cùng vợ phụ nhau làm tăm tre, quạt giấy để ông đi rao bán kiếm tiền chăm lo gia đình.
Người đàn ông bị tác hại bom mìn tâm sự: “Cứ nửa tháng một lần tôi đón xe ôm xuống TP Hội An để bán tăm tre, quạt giấy cho khách du lịch. Nếu mấy chục năm về trước bán đắt khách thì giờ đây nhiều mặt hàng mới ra thu hút được người mua hơn, tôi làm quạt thủ công bán không được. Sau đó. tôi chuyển sang mua dầu để đi bán lại, số tiền lời mỗi ngày chỉ 50 đến 70 nghìn đồng đủ nuôi hai vợ chồng, cuộc sống vậy hài lòng rồi!”.
Cụt hai bàn tay do mìn nổ, cậu học trò viết bằng ống nhựa
Một nạn nhân khác do mìn nổ đó là em Phan Trọng Hiếu (17 tuổi) ngụ khu 5, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Ông Phan Nhì (cha Hiếu) kể, cuối năm 2013, Hiếu đi chăn bò cùng hai người bạn ở cánh đồng gần nhà thì lượm được kíp mìn. Tò mò cả ba đã dùng đá đập khiến mìn phát nổ.
“Khi đó con tôi và hai đứa bạn văng xa hàng chục mét. Con tôi bị mất hai bàn tay, chân găm nhiều mảnh mìn. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều đội nón ra đi khi chữa trị giành giật lại mạng sống cho con”, ông Nhì nhớ lại.
Hiếu bị mìn nổ cụt hai tay, người chị đã nghĩ ra cách làm một ống nhựa đặt vào mỏm tay cụt cho em tập viết. Ảnh: Quang Nam |
Ở cái tuổi đi học, chân chạy tung tăng vui chơi, thế nhưng hai tay bị cụt, chân đi lại khập khiễng khiến Hiếu gần như gục ngã với số phận đã định đoạt.
Nhiều lần thấy con trai buồn vợ chồng ông Nhì càng nặng lòng, cố giấu đi nước mắt. Để em được đến trường, tâm trạng khá hơn khi có bạn bè, người chị của Hiếu đã nghĩ ra cách làm một ống nhựa đặt vào mỏm tay cụt của Hiếu cho em tập viết.
Kiên trì nhiều tháng trời ròng rã, Hiếu đã nắn nót viết chữ cái được trở lại khiến gia đình ông Nhì mừng rơi nước mắt.
Ông Nhì bên cạnh động viên con trai tập sử dụng ống nhựa để vẽ. Ảnh: Quang Nam |
Hiếu kể, lần đầu dùng ống nhựa để tập viết tay em rất đau nhức. Thế nhưng nghĩ được đến trường theo học chữ, được vui đùa cùng bạn bè, không là gánh nặng của gia đình càng cho em động lực cố gắng.
“Em ước mơ sau này trở thành một họa sĩ. Dù em biết đối với người họa sĩ, đôi tay là quan trọng nhất, thế nhưng em có niềm tin ở bản thân mình sẽ làm được”, Hiếu nói.
Bom mìn dẫu đã để lại cho nhiều cuộc đời sự khiến khuyết nhưng với những người kém may mắn đó, nghị lực, sự sẻ chia đã giúp họ vượt thắng số phận, hòa nhập với cộng đồng.