Cận cảnh 6 vị trí sắp làm cầu vượt đi bộ ở Hà Nội

TP Hà Nội vừa phê duyệt xây dựng 6 cầu vượt đi bộ tại một số địa điểm thuộc quận Hoàng Mai, Ba Đình và Nam Từ Liêm.

Cầu vượt đi bộ qua đường vành đai 2,5 (quận Hoàng Mai)

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Khu vực chợ đầu mối phía Nam (Ảnh: Hoàng Huy).

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ qua đường Tân Mai, TP Hà Nội sẽ xây dựng cầu vượt tại vị trí khu vực chợ đầu mối phía Nam, cách cầu Đền Lừ khoảng 200 m.

Cầu vượt sẽ có kết cấu thép lắp ghép, chiều cao 4,75 m, chiều dài 31,1 m và bề rộng 3,4 m. Tổng mức đầu tư dự kiến là 5,2 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.

Các trạm xe bus gần nhất cách vị trí xây cầu vượt chưa đến 50 m. Từ đây người dân có thể bắt xe đi các điểm Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) và Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm).

Đường Tân Mai theo qui hoạch sẽ nằm trên đường Vành đai 2,5 đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hoàng Mai. Do đó, lượng phương tiện đi lưu thông trên tuyến đường này trong tương lai sẽ gia tăng đáng kể.

Cầu vượt đi bộ qua đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai)

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Khu vực bến xe Nước Ngầm (Ảnh: Hoàng Huy).

Là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, trục đường Giải Phóng - Ngọc Hồi giao với QL1A (đường Vành đai 3) có nhiều xe tải, xe container... đi qua. Vị trí này cũng có bến xe Nước Ngầm tiếp nhận các phương tiện vận tải hành khách từ các tỉnh phía Nam, do đó tình trạng ùn ứ phương tiện thường xuyên diễn ra. 

Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường Ngọc Hồi, Hà Nội sẽ xây dựng cầu vượt đi bộ tại vị trí trước cổng bến xe Nước Ngầm. Cầu sẽ có chiều cao 4,75 m, chiều dài 37 m, bề rộng 3,4 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.

Tại vị trí xây cầu vượt đều có các trạm xe bus với các tuyến 03B, 04, 06A, 06B, 06C, 06D, 06E, 08A, 08ACT, 12, 21B, 48, 60B, 94 99, 101, 101B vận chuyển người dân đến nhiều quận, huyện khác nhau.

Cầu vượt đi bộ ở KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai) 

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 3.

3 tòa nhà HH1A, HUD3 và CT5-X2 tại KĐT Linh Đàm (Ảnh: Hoàng Huy).

Là KĐT có qui mô lớn hàng đầu ở Hà Nội, KĐT bán đảo Linh Đàm hiện có gần 30.000 người dân sống tại 12 tòa nhà tổ hợp chung cư.

Với việc nằm rất gần đường Vành đai 3, lượng người lưu thông trong các tuyến đường nội khu của KĐT Linh Đàm cũng không hề nhỏ.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho cư dân trong khu vực, Hà Nội sẽ xây dựng cầu vượt đi bộ qua phố Linh Đường, trước các tòa nhà HH1A, HUD3 và CT5-X2 với chiều cao 4,75 m, chiều dài 28,1 m, bề rộng 3 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là 3,94 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.

Bán kính khoảng 100 m xung quanh vị trí xây cầu vượt có các trạm xe bus với các tuyến số 104, 05, 36, 36CT, 37, 84, 106.

Cầu vượt đi bộ khu vực bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cổng sau bến xe Mỹ Đình nằm trên đường Nguyễn Hoàng (Ảnh: Hoàng Huy).

Nằm trên đường Vành đai 3, Bến xe khách Mỹ Đình mỗi ngày có thể đón 500-600 lượt xe, với khoảng 10.000 lượt khách. Vào giờ cao điểm, các tuyến đường xung quanh như Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng hay Mỹ Đình thường xảy ra tình trạng ùn tắc.

Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường Nguyễn Hoàng, dự án cầu vượt đi bộ sẽ được xây dựng tại vị trí cổng sau của bến xe Mỹ Đình. Cầu có chiều cao 4,75 m, chiều dài 30 m và bề rộng 3,4 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là hơn 5,5 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.

Ngay tại vị trí xây dựng cầu vượt sẽ có trạm xe bus với các tuyến số 05, 84 và 97 để người dân di chuyển đi Hoài Đức và Bắc Từ Liêm.

Cầu vượt đi bộ qua đường Đào Tấn (quận Ba Đình)

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 5.

Viện Vật lí trên đường Đào Tấn cách Lotte Center Hà Nội 200 m.(Ảnh: Hoàng Huy).

Cũng trong năm 2021-2022, Hà Nội sẽ xây dựng cầu vượt đi bộ qua đường Đào Tấn, trước cổng Viện Vật lí - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Vị trí này nằm trên trục đường Đào Tấn - Kim Mã - Nguyễn Thái Học, kết nối các phương tiện từ trung tâm TP ra đường Vành đai 2, lượng người lưu thông lớn. Nút giao Kim Mã - cầu vượt Nguyễn Chí Thanh cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.

Cầu vượt sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn cho người dân đi bộ qua đường Đào Tấn. Công trình này có chiều cao 4,75 m, chiều dài 32 m, bề rộng 3,4 m với tổng mức đầu tư dự kiến gần 6 tỉ đồng.

Trước cổng Viện Vật lí có trạm xe bus với các tuyến 12, 25 và 90 đi sân bay Nội Bài, Công viên Nghĩa Đô và Bệnh viện Nhiệt đới TW Cơ sở 2.

Cầu vượt đi bộ qua đường Liễu Giai (quận Ba Đình)

Cận cảnh những vị trí sắp xây cầu vượt đi bộ ở Hà Nội - Ảnh 6.

Tòa nhà MB Bank trên đường Liễu Giai (Ảnh: Hoàng Huy).

Một cầu vượt đi bộ khác sắp được xây dựng tại quận Ba Đình nằm trước tòa nhà MB Bank, gần nút giao Liễu Giai - Kim Mã Thượng. So với 5 địa điểm ở trên, giao thông tại khu vực này hiện nay khá thông thoáng.

Trong tương lai, vị trí này nằm trên lộ trình của tuyến đường sắt đô thị số 5 (dọc trục đường Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long), cách ga Văn Cao khoảng 650 m.

Cầu vượt đi bộ qua đường Liễu Giai sẽ có chiều cao 4,75 m, chiều dài 46 m, bề rộng 3,4 m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2022.

Vị trí này cách các trạm xe bus gần nhất từ 100-150 m, có các tuyến số 09, 09CT và CNG03 chạy qua.

Chủ đầu tư của 6 dự án cầu vượt nói trên là Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông TP Hà Nội. Các dự án đều được đầu tư từ nguồn ngân sách của TP.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.