Cận cảnh dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn khiến CEO Quốc Cương Gia Lai vướng vòng lao lý

Dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn hiện nay là dự án The Tresor do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư.

Ngày 19/7 vừa qua, Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự. Bà Loan bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn.

Khu đất 39 - 39B Bến Vân Đồn hiện nay là dự án thương mại The Tresor của chủ đầu tư Novaland (Mã: NVL). Dự án này có diện tích tổng thể 6.201 m2, gồm hai tháp và 4 tầng hầm để xe. Trong đó, tháp A cao 33 tầng, tháp B cao 17 tầng là tòa Officetel.

Theo khảo sát từ Batdongsan.com.vn, giá bán dự án The Tresor từ 1,5 tỷ đồng/căn đối với Officetel; 3,3 - 7 tỷ đồng/căn đối với căn hộ.

Theo thông tin của Quốc Cường Gia Lai, năm 2013, công ty đã đàm phán, ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho Công ty Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện ký) để nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty TNHH Phú Việt Tín - chủ đầu tư dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn khi đó. Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng do QCG chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỷ đồng.

Tháng 8/2014, QCG nhận chuyển nhượng 79,2% vốn của Phú Việt Tín từ Công ty Việt Tín (do bà Lê Y Linh làm người đại diện) và 19,8% vốn từ CTCP Đầu tư và Thương Mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện). Tổng phần vốn nhận chuyển nhượng là 99%.

Tháng 9/2014, QCG nhận chuyển nhượng 1% vốn còn lại của Phú Việt Tín từ hai đơn vị: Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai 0,72% (tương đương 43,2 triệu đồng) và Công ty TNHH MTV Công ty Cao su Bà Rịa 0,28%.

QCG cho biết việc nhận chuyển nhượng 1% còn lại “theo sự sắp xếp và đề nghị của ông Dừa, bà Linh, đại diện bên bán trên cơ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất ý kiến về việc chuyển nhượng. Trước khi thực hiện giao dịch này, QCG đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký Hợp đồng để nhận chuyển nhượng”.

Theo kế hoạch ban đầu, QCG dự tính làm bến du thuyền kết nối từ dự án Bến Vân Đồn đến dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) để đưa khách hàng đi tham quan dự án Phước Kiển. Tuy nhiên, ban điều hành nhận thấy không đủ nguồn lực tài chính để triển khai hai dự án cùng một lúc nên đã quyết định bán dự án Bến Vân Đồn.

Tài liệu do QCG công bố cho thấy, lần định giá thứ nhất vào năm 2011, khu đất dự án Bến Vân Đồn với diện tích 5.780 m2 được định giá xấp xỉ 195 tỷ đồng. Ở lần định giá thứ hai vào năm 2014, khu đất này được định giá lại còn hơn 186 tỷ đồng (tương đương 32,2 triệu đồng/m2). Đây là số tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải nộp.

BCTC hợp nhất 2014 của QCG do Công ty Ernst & Young Việt Nam kiểm toán thể hiện, QCG chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư Phú Việt Tín cho CTCP Bất động sản Thịnh Vượng với số tiền 830 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi gần 382 tỷ đồng.

Dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn nằm kế cận khu vực trung tâm quận 1 và các cơ quan lớn như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP HCM.