Theo ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phương tiện giao thông quá đông, nhiều công trình xây dựng và khí thải từ những cơ sở sản xuất là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP HCM.
Ngày 19/12, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo hai TP Hà Nội và TP HCM cùng đại diện các bộ, ngành để đánh giá thực trạng, nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí.
Theo đó, ông Trần Hồng Hà nhận định, có 3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP HCM gồm: 7,5 triệu phương tiện cùng nhiều xe di chuyển cơ học qua lại địa bàn kéo theo lượng bùn, đất vào đô thị làm bụi mịn tăng cao, chưa kể tiêu chuẩn khí thải còn thấp so với thế giới; TP HCM nằm trong đại công trường với nhiều công trình đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắn không kĩ và hoạt động của gần 900 nhà máy lớn nhỏ ở khu vực ven đô thị.
Theo ghi nhận của Thanh Niên vào sáng 20/12, khoảng 9 giờ sáng, nhiều người dân khi bước ra đường người dân đều cảm thấy ngột ngạt. Các tòa nhà cao tầng mờ mờ trong lớp sương màu trắng đục.
Đang là dịp cuối năm nên nhiều công trường cũng đang tất bật để hoàn công, trong đó có công trình sửa chữa tại cầu chữ Y và hàng loạt công trường được rào chắn trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8) nhưng vẫn có những lớp bụi mù mù khiến người đi đường cảm thấy khó chịu.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, Sở nhận thức được trách nhiệm của mình về ô nhiễm không khí nên đã có kế hoạch tăng cường tần suất vệ sinh, chấn chỉnh các đơn vị nhà thầu thi công để thực hiện việc bỏ bao các vật liệu rơi vãi và tập kết ngay theo đúng quy định.
Đối với khu vực trung tâm, vật liệu tập kết phải để trong bao vận chuyển, có các giải pháp vệ sinh như bao phủ, thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh công trường.
"Ô nhiễm không khí do phát thải từ xe gắn máy và ô tô nhưng hiện nay ô tô đã có đăng kiểm định kì và có tiêu chuẩn của từng loại phương tiện, nhưng đối với xe máy chưa có quy định, chúng tôi đang chờ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi về việc phải đăng kiểm xe máy thì mới làm được, nhưng sửa luật nếu nhanh cũng phải 2 năm", ông Lâm nói.
Được biết, Sở Giao thông Vận tải đang hoàn thiện để thí điểm trong quý 1 và quý 2 năm 2010 về việc xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe máy, sử dụng các trạm dịch vụ của Honda, Yamaha trên địa bàn TP và đưa ra những chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe 2 bánh vào kiểm tra khí thải, chính sách hỗ trợ sửa chữa, khuyến mãi... để kiểm soát khí thải.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lí khai thác Hạ tầng, Sở GT-VT TP HCM, theo chỉ đạo của UBND, các công trình phát sinh mới không được phép mở thêm rào chắn từ tháng 12.2019 cho đến sau Tết nguyên đán 2020. Do đó, ngoại trừ một số công trình sử dụng vốn ODA hoặc các công trình cấp bách của TP, Sở quản lí chặt những vị trí rào chắn mới phát sinh trên đường để không làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt cuối năm của người dân.
Thanh tra Sở GT-VT cũng thành lập đoàn để kiểm tra từng rào chắn, thực hiện việc công bố những rào chắn được phép tồn tại trong dịp tết.