Công nhân quét bụi đất trên Xa lộ Hà Nội, đoạn qua địa phận Q.2, TP HCM. (Ảnh: Sỹ Đông)
Trong số các nguồn thải gây ô nhiễm không khí, hoạt động giao thông được nhiều chuyên gia xếp vào nguyên nhân chính, bao gồm khí thải phương tiện và hoạt động xây dựng, duy tu đường phố.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, TP HCM tạm dừng hoạt động xịt rửa mặt đường. Quyết định 3206/2017 của UBND TP HCM về công tác quản lí, vận hành và bảo trì các công trình thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân cấp cho Sở Giao thông Vận tải (GT - VT) quản lí không còn hạng mục xịt rửa đường.
Giám đốc Sở GT - VT TP HCM Trần Quang Lâm cho biết sẽ kiến nghị UBND TP tiếp tục xịt rửa đường vào năm 2020 để giảm bụi đất trên đường. (Ảnh: Sỹ Đông)
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về công tác ứng phó ô nhiễm không khí trong hoạt động giao thông, Giám đốc Sở GT - VT TP HCM Trần Quang Lâm cho biết sở này đã ban hành kế hoạch ứng phó ô nhiễm không khí.
Thời gian qua, Sở GT - VT đã tăng cường tần suất vệ sinh, chấn chỉnh đơn vị, nhà thầu thi công để tránh tình trạng rơi vãi vật liệu. Theo ông Lâm, nếu doanh nghiệp làm tốt quản lí công trường thì sẽ giảm được tình trạng bụi bặm trên đường phố.
Về công tác vệ sinh mặt đường, ông Lâm cho biết sẽ kiến nghị UBND TP HCM cho thực hiện xịt rửa đường trên các tuyến mà đơn vị được giao công tác duy tu. Theo đó, Sở GT - VT duy tu 31 tuyến đường trục chính với chiều dài hơn 260 km, các tuyến đường khác giao về cho quận, huyện quản lí công tác vệ sinh. Công tác này trước đây Sở GT - VT đã thực hiện, thời gian qua, UBND Q.1 cũng xịt rửa một số tuyến đường khu trung tâm.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lí khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, cho biết Quyết định 30/2018 của UBND TP yêu cầu khi thi công công trình đường bộ đang khai thác ở khu vực trung tâm, vật liệu tập kết phải để trong bao và vận chuyển, có biện pháp bao phủ.
“Thời gian qua, Sở đã thường xuyên yêu cầu đơn vị thi công vệ sinh, xịt rửa xe ra vào công trường và khu vực xung quanh công trường”, ông Đường thông tin và cho biết sẽ có văn bản nhắc các quận, huyện thực hiện công việc này.
Bên cạnh đó, Sở GT - VT cũng ban hành các tuyến đường cấm đào và cấm thi công ban ngày lên bản đồ trực tuyến để theo dõi, giám sát.
Đơn vị thi công cào mặt đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) khiến bụi bay mù mịtẢnh: Sỹ Đông
Về ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông, Giám đốc Sở GT - VT TP HCM Trần Quang Lâm cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là kiểm soát khí thải của các phương tiện tham gia giao thông. Nếu như ô tô được đăng kiểm định kì, siết tiêu chuẩn khí thải theo từng phương tiện, chủng loại thì xe gắn máy vẫn chưa có quy định về khí thải.
Trong thời gian chờ luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định kiểm soát khí thải xe gắn máy, Sở GT - VT phối hợp với Hiệp hội xe gắn máy xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe gắn máy. Theo đó, các đơn vị sẽ kiểm tra khí thải tại các trạm dịch vụ của hãng xe Honda và Yamaha và có chính sách hỗ trợ sửa chữa, khuyến mãi phù hợp.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM đang khiến người dân lo lắng. Các nguồn thải gây ô nhiễm không khí gồm hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân.