“Nợ doanh nghiệp Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu”, các nhà phân tích kinh tế của Moody đưa ra cảnh báo, và mô tả rằng đây là những rủi ro vô cùng nghiêm trọng.
Trước đó, tổ chức xếp hạng Fitch trong một báo cáo tương tự, cũng cho biết các công ty tư nhân Trung Quốc đã vỡ nợ với những khoản nợ kỉ lục trong năm nay.
“Trong khi nợ doanh nghiệp và nền kinh tế suy thoái là vấn đề chung của toàn cầu, thì khoản nợ của các công ty Trung Quốc lại mang đến nhiều rủi ro lớn hơn”, Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody, nói.
“Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, và nó đang tăng rất nhanh”, ông nhấn mạnh.
Zandi giải thích rằng nhiều công ty đang vật lộn để đối phó với mức tăng trưởng chậm, có nguyên nhân từ cuộc chiến thương mại và các yếu tố khác.
Tại Hoa Kỳ, thực trạng tương tự cũng xuất hiện nhưng với mức độ thấp hơn nhiều.
“Chúng tôi đã nhìn thấy sự gia tăng đáng kể trong cái gọi là cho vay có đòn bẩy, như cho vay các công ty mắc nợ cao, dễ bị ảnh hưởng nếu nền kinh tế giảm tốc”, Zandi nói.
Nợ đang là vấn đề trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang tìm cách cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay, bằng cách thắt chặt các quy định vay nợ, hoặc tạo những hành lang pháp lí để doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ trả nợ.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm với Trung Quốc đang đặt những nỗ lực giảm nợ doanh nghiệp của Chính phủ Trung Quốc vào những khó khăn mới. Trong khi vừa đặt mục tiêu giảm nợ, nước này còn phải thúc đẩy nền kinh tế đang dần chậm chạp và đối phó với thuế quan của Mỹ.
Tổ chức xếp hạng Fitch tuần trước đã công bố con số kỉ lục 4,9% các bên phát hành tư nhân Trung Quốc không thể trả nợ trái phiếu trong nước trong 11 tháng năm 2019, tăng từ 0,6% trong năm 2014.
Trong báo cáo tháng 10, cơ quan xếp hạng này cho rằng đây là kết quả của thắt chặt tín dụng theo sau những nỗ lực giảm nợ công của Trung Quốc. “Chính quyền Bắc Kinh cũng thoải mái hơn đối với những doanh nghiệp vỡ nợ”, báo cáo viết.
“Khoảng 80% các khoản nợ trái phiếu trong nước đều đến từ khu vực tư nhân, dễ bị tổn thương hơn các doanh nghiệp nhà nước trước các biến động của thị trường bên ngoài. Do vậy, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản hoặc rủi ro tái cấp vốn cao hơn trong điều kiện tín dụng thắt chặt”, Moody nhận định.