Shark Nguyễn Thanh Việt khẳng định trong bối cảnh thị trường Việt Nam 5 năm tới, công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, logistic và doanh nghiệp mang tính chất kết nối sẽ là những ngành nghề có cơ hội phát triển vượt bậc.
"Việt Nam trong 5 năm tới sẽ có nhiều ngành nghề có thể bùng nổ, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến công nghệ 4.0, cũng như các công nghệ khác", Shark Việt khẳng định. Điều này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra khắp thế giới và nhen nhóm tại Việt Nam.
Trong chương trình Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa 3, ông chủ Intracom cũng đã đầu tư vào nhiều startup công nghệ như Luxstay (công nghệ lưu trú), eDoctor (công nghệ y tế), Triip.me (công nghệ du lịch) và Tối nay ăn gì (công nghệ bán lẻ thực phẩm tươi sống).
Sơn Tùng M-TP, Shark Việt và Shark Hưng kí kết đầu tư và hợp tác chiến lược với Luxstay. (Ảnh: Phúc Minh).
Trong đó, ông rót đến 2 tỉ USD cho nền tảng Luxstay. Giải thích cho việc đầu tư này, Shark Việt cho rằng hiện thế giới phát triển nhanh, những nền tảng công nghệ và kinh doanh bây giờ mỗi ngày một khác. "Vì thế, một ông Shark mùa trước và mùa này cũng phải khác. Đừng sang chấn tâm lí làm gì. Điều này thúc đẩy những nhà đầu tư truyền thống suy nghĩ cách đầu tư của mình", Chủ tịch Intracom khuyên.
Shark Việt nhận định: "Việt Nam chúng ta đang đứng trên cơ hội vàng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị". Ngoài ra, nhà đầu tư của Shark Tank cũng cho biết ngành nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp phát triển bền vững cũng đang có cơ hội tốt.
Với Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông Nguyễn Thanh Việt đã đầu tư 5 tỉ đồng vào startup Dalat Foodie. Mô hình kinh doanh startup này theo đuổi là "farm to people", tức doanh nghiệp đảm bảo trồng thực phẩm hữu cơ cung cấp cho người dùng tự chế biến. Các sản phẩm được cung cấp chủ yếu là rau, củ, trái cây…
Shark Việt lần đầu "đổi khẩu vị" trước một startup về nông nghiệp. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).
Chính màn gọi vốn này đã "đổi khẩu vị" của ông, khi lần đầu tiên Shark Việt không muốn có quyền chi phối và chấp nhận đúng như tỉ lệ 20% mà Hoàng Sương đưa ra.
Đây là nhóm ngành mà Shark Việt khẳng định "giữa cung và cầu đang có vấn đề" tại Việt Nam.
Trong "bể cá mập" mùa 3, Chủ tịch Intracom cũng từng đưa ra lời đề nghị 5 tỉ đồng rót cho chuỗi trung tâm dạy toán học tư duy MathMap Academy.
Ông giải thích: "Khi đầu tư vào y tế, tôi nhận ra rằng con người là yếu tố rất quan trọng. Vì thế, tôi cũng đang quan tâm đến vấn đề đào tạo".
Nhưng lời đề nghị trên thất bại trước Shark Thủy.
Là ông chủ của bệnh viện quốc tế Phương Đông, Shark Việt cho rằng: "Để có được nền y tế hoàn chỉnh phục vụ được con người và tiệm cận với trình độ khoa học, công nghệ thế giới, ngành y tế nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết". Vì thế, ông cho rằng đây là một cơ hội dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Hiện tại, ông Nguyễn Thanh Việt đang sở hữu tổ hợp y tế Phương Đông với qui mô 1.000 giường bệnh, và có khả năng tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Shark Việt đang sở hữu tổ hợp y tế Phương Đông với qui mô 1.000 giường bệnh. (Ảnh: Intracom).
Đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang rất kém, Chủ tịch Intracom cho biết đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn không kém, khi chính sách của Chính phủ ngày càng ưu tiên mở rộng, nâng cấp và dành nhiều sự quan tâm.
Ông không phủ nhận việc các startups nhỏ khó thể nào làm được những con đường hay sân bay lớn, nhưng vẫn hoàn toàn có thể phối hợp với các doanh nghiệp lớn.
"Ông nội" ví dụ ở một sân bay, các dịch vụ sân bay vẫn là đất cho các doanh nghiệp nhỏ dụng võ. "Có những loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp lớn không thể làm tốt hơn doanh nghiệp nhỏ", ông nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Logistic Việt Nam, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ này. Năm 2019 dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỉ USD. Tuy nhiên, lại có một nghịch lí đang diễn ra là chi phí logistics của Việt Nam đang khá cao.
"Tôi từng nghe một doanh nghiệp kể chuyện, 1 kg tôm chuyển lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1 kg tôm từ Ecuado về Việt Nam... Đó chính là do chi phí logistics của chúng ta chưa hợp lí", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ngành logistic Việt Nam còn nhiều vấn đề cần khắc phục nên khả năng gia nhập thị trường cho các startup là rất lớn. (Ảnh: Tạp chí Tài chính).
Trước tình hình đó, Shark Việt khẳng định về tương lai của ngành logistic tại Việt Nam: "Đây là một thị trường đang chờ đón mọi người, chờ đón các startup".
"Sự chênh lệch giữa Việt Nam và các nước phát triển cũng như các nước chưa phát triển đang là rất lớn", Shark Việt phân tích. Do đó, ông cho rằng những doanh nghiệp mang tính chất kết nối như du lịch sẽ bùng nổ trong tương lai.
Khi chính thức rót 500.000 USD vào Triip.me chỉ sau 30 ngày lên sóng, Shark Việt đã đánh giá lạc quan về tương lai của ngành du lịch Việt Nam. Do đó, ông cùng đội ngũ Triip.me có kế hoạch đưa du lịch bền vững phổ biến với nhiều người hơn, để "làm sao một đồng đầu tư ra nước ngoài phải có bằng hoặc nhiều hơn một đồng trở về Việt Nam".
Chỉ nhích thêm 1,6% so với số cổ phần ban đầu, Shark Việt nhanh chóng rót 500.000 USD cho Triip. (Ảnh: Intracom).
Cuối cùng, Shark Việt đưa ra kết luận: "Đừng nghĩ những thứ truyền thống người ta làm rồi thì ta không làm được. Người khởi nghiệp làm theo cách khác thì vẫn có con đường đi riêng".
Chia sẻ tại Shark Tank Seminars 2019, Shark Việt quan niệm: "Khởi nghiệp như trẻ mới sinh bị thiếu oxy, phải chăm sóc rất kĩ, không được bơm oxy quá nhiều mà cũng không thể ít quá".
Người chủ doanh nghiệp cần xác định: "Thất bại đang chờ chúng ta ngoài cửa kia kìa! Vì chính sách, vì thị trường, vì nhiều yếu tố khách quan… đều có thể dẫn chúng ta đến thất bại", Shark Việt lưu ý.
Kinh doanh 21:01 | 09/06/2020
Kinh doanh 12:03 | 28/02/2020
Kinh doanh 22:04 | 02/01/2020
Kinh doanh 06:04 | 15/12/2019
Kinh doanh 20:25 | 13/12/2019
Kinh doanh 06:19 | 10/12/2019
Kinh doanh 15:26 | 02/12/2019
Kinh doanh 19:06 | 29/11/2019