Shark Tank Việt Nam mùa 3 khép lại với 518 tỉ rót vốn, Shark Việt giữ kỉ lục xuống tiền nhiều nhất với 212 tỉ đồng

Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 3 khép lại với 28 startup được cam kết rót vốn, tổng số tiền đầu tư 518 tỉ đồng, gấp 2,5 lần tổng vốn rót trong mùa thứ 2 và gấp hơn 4 lần tổng vốn rót mùa đầu tiên.

Chương trình truyền hình thực tế về kinh doanh Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 3 đã chính thức khép lại sau 16 tập phát sóng, thời lượng dài nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ trong tập cuối, Shark Hưng tiết lộ mùa thứ 3 này nhận được hơn 1.000 đơn đăng kí gọi vốn, nhưng chỉ có 59 startup lọt vào vòng ghi hình chính thức. Với 15 tập có phần gọi vốn, Shark Tank mùa 3 lên sóng 43 startup.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Số vốn cam kết ở Shark Tank mùa 3 gấp 2,5 lần tổng vốn rót trong mùa thứ 2 và gấp hơn 4 lần tổng vốn rót mùa đầu tiên. (Đồ họa: Tất Đạt).

Điều này phần nào được lí giải vì vướng phải vụ lùm xùm của Asanzo. Ban đầu, đơn vị tổ chức TV HUB công bố dàn "cá mập" có ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo Việt Nam. Nhưng sau bê bối về nghi vấn nguồn gốc sản phẩm, Shark Tank tuyên bố không phát sóng các phần gọi vốn có mặt Chủ tịch Asanzo.

Với 43 startup được lên sóng, Shark Tank mùa 3 đã chứng kiến 28 thương vụ thành công. Theo đó, số tiền được các "cá mập" rót là 22 triệu USD (khoảng 518 tỉ đồng), gấp 2,5 lần tổng vốn rót trong mùa thứ 2 và gấp hơn 4 lần tổng vốn rót mùa đầu tiên.

Về con số này, Shark Dzung nhận định: "Shark Tank đang tăng trưởng đúng với tốc độ của một startup".

Được cộng đồng mạng đặt biệt danh  "Mr. Wonderful", Shark Việt vẫn là lão làng giữ phong độ tốt nhất trong việc xuống tiền trong Shark Tank Việt Nam. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Việt cam kết đầu tư 212 tỉ đồng trong Shark Tank mùa 3, tương đương 9 triệu USD, chiếm 40% tổng vốn rót của cả mùa. (Đồ họa: Tất Đạt).

Trong mùa này, Shark Việt cam kết đầu tư 212 tỉ đồng, tương đương 9 triệu USD, chiếm 40% tổng vốn rót của cả mùa. Như vậy, ông chủ Tập đoàn Intracom vẫn giữ ngôi vương nhà đầu tư "mát tay" nhất suốt 2 mùa Shark Tank.

Mùa này, Luxstay là startup chiếm được nhiều vốn nhất của Shark Việt, với 2 triệu USD. Số tiền thấp nhất, nhà đầu tư này bỏ ra là 2 tỉ đồng cho 50% của Guốc Việt.

Dù thoát li khỏi vòng an toàn trong 2 mùa trước, khi chỉ đầu tư vào các startup hỗ trợ cho hệ sinh thái CenGroup, Shark Hưng vẫn tiếp tục bảo toàn vị trí thứ 2 trong các nhà đầu tư về lượng tiền đổ ra. "Cá mập" Phạm Thanh Hưng cam kết rót 107 tỉ đồng trong mùa này, chiếm 20,6% tổng số vốn của cả chương trình.

Chỉ với 5 thương vụ, Shark Hưng vẫn giữ được phong độ. Trong đó, 2 thương vụ hao vốn nhất là mạng xã hội du lịch Astra và nền tảng giao dịch bất động sản Revex, với đồng giá 1 triệu USD.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Hưng cam kết rót 107 tỉ đồng trong mùa này, chiếm 20,6% tổng số vốn của cả chương trình. (Đồ họa: Tất Đạt).

Gia nhập "bể cá mập" lần đầu với vai trò nhà đầu tư cố định, Shark Liên cũng đóng góp 52,5 tỉ đồng cho số tiền góp vốn trong chương trình, chiếm đến 10,1%, giữ vị trí thứ 3. Shark Hưng nhận định: "Shark Liên là người ít bàn và ít hỏi về các con số, mô hình kinh doanh, mà chỉ quan tâm và đầu tư vào con người".

"Bà ngoại" cũng đồng ý rằng mình chỉ có hứng thú với những startup về môi trường hoặc có được những giá trị nhân văn. 

"Tôi quan trọng về thái độ, cách nói chuyện và tính trách nhiệm của các startup, đặc biệt là định hướng của họ cho cá nhân và cả cộng đồng", Shark Liên chia sẻ.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Liên cũng đã đóng góp 52,5 tỉ đồng cho số tiền góp vốn trong chương trình, chiếm đến 10,1%, giữ vị trí thứ 3. (Đồ họa: Tất Đạt).

Mạnh miệng nhất Shark Tank và tham gia với thời lượng ngắn, Shark Bình cũng rót vốn tổng cộng 37,2 tỉ đồng, chiếm 7,2%, giữ vị trí thứ 4. Trong đó, có đến 27,7 tỉ đồng theo dạng cho vay không chuyển đổi. Điều này làm cư dân mạng đặt thêm một biệt danh cho Shark Bình là "Shark Bank" (cá mập ngân hàng).

Tuy nhiên, Shark Bình không có bất kì thương vụ nào đầu tư đổi cổ phần riêng lẻ. Cả 3 thương vụ xuống tiền đổi cổ phần đều là "đi ké", gồm Edu2Review (ké Shark Dzung 100.000 USD), Printgo (ké Shark Liên 1 tỉ đồng) và eDoctor (ké Shark Dzung 100.000 USD). 

Shark Bình định hướng bản thân là "Shark Tri kỉ" khi tham gia mùa này, nhưng giờ đây cộng đồng mạng lại ví von hài hước rằng ông là "Shark Ké".

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Bình rót vốn tổng cộng 37,2 tỉ đồng, chiếm 7,2%, giữ vị trí thứ 4. (Đồ họa: Tất Đạt).

Là nhà đầu tư cố định trong mùa này, nhưng Shark Dzung chỉ cán đích ở vị trị thứ 5 với 36,2 tỉ đồng, chiếm 7% tổng số vốn trong mùa 3.

Điều này dễ dàng giải thích, vì trong số 6 startup được "cá mập" này rót vốn đều có một mùi vị duy nhất - công nghệ. 

Shark Dzung giải thích: "6 thương vụ trên là đúng bản chất của tôi và đúng thế mạnh của tôi". Thương vụ giá trị nhất là 500.000 USD rót vào nền tảng y tế 4.0 eDoctor.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Dzung chỉ cán đích ở vị trị thứ 5 với 36,2 tỉ đồng, chiếm 7% tổng số vốn trong mùa 3. (Đồ họa: Tất Đạt).

Dù chỉ tham gia với vai trò "cá mập" khách mời, Shark Thủy lại là người giữ vị trí thứ 5 trong việc hào phóng rót vốn. Gộp cả vốn đầu tư và khoản vay chuyển đổi, nhà sáng lập EGroup đã đổ vào các startup với tổng số tiền tạm tính 17,3 tỉ đồng, chiếm 3,3%.

Mùa này, Shark Thủy chỉ rót vốn vào 3 startup, số tiền lớn nhất là 9,4 tỉ đồng cho dự án trung tâm toán học MathMap.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-07 lúc 11

Shark Thủy cũng khá hào phóng với 17,3 tỉ đồng cam kết rót vốn, chiếm 3,3%. (Đồ họa: Tất Đạt).

Tham gia 3 tập liên tiếp, Shark Linh nhận được sự đón chào nồng nhiệt khi trở lại "bể cá mập", đặc biệt là khi lần này bà đại diện cho quỹ đầu tư của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Vingroup Ventures. Thế nhưng, câu nói "thời điểm này chưa thích hợp cho chị đầu tư" vẫn được mẹ bầu này nhắc đến với 8 startup.

Shark Linh chỉ đưa ra lời đề nghị duy nhất cho Dalat Foodie, nhưng lại bị startup này từ chối để nhận lời đầu tư của Shark Việt. 

Như vậy, Shark Linh lập kỉ lục là nhà đầu tư đầu tiên không xuống đồng vốn nào trong 3 mùa Shark Tank Việt Nam.