Bán bảo hiểm tình yêu trả góp 2.000 đồng/ngày, startup nhận 500.000 USD từ Shark Dzung và Shark Thủy

Tuy kinh doanh về bảo hiểm nhưng Miin lại không gọi được vốn từ Shark Liên, người "cả đời gắn với bảo hiểm". Lần này, Shark Dzung và Shark Thủy quyết định bắt tay rót 500.000 USD cho dự án "trái ngành".

Trong tập 14 của Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 3, nhà sáng lập Công ty CP Miin Việt Nam Nguyễn Bảo Trọng tham gia gọi vốn với số tiền 500.000 USD cho 15% cổ phần. Bảo Trọng hi vọng số tiền trên sẽ giúp công ty của mình đạt được  1 triệu USD về doanh số.

Trả 2.000 đồng mỗi ngày để bảo hiểm  "rủi ro" tình yêu

Miin là một nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến mới. Mỗi ngày, người dùng chỉ cần góp 2.000 đồng vào quỹ chung. Khi có một người gặp rủi ro, Miin sẽ dùng tiền trong quỹ để chi trả. Đến cuối năm, số tiền còn lại sẽ được trả cho mọi người tham gia vào quỹ.

Về thị trường, người Việt Nam hầu như chưa chú trọng việc mua bảo hiểm. Bảo Trọng nhấn mạnh con số 60 triệu người dân Việt Nam hiện chưa có bảo hiểm. "Đây là một đại dương xanh mà các Shark có thể tha hồ bơi lộ trong đó", nhà sáng lập này khẳng định.

MIIN (6)

Mỗi ngày, người dùng chỉ cần góp 2.000 đồng cho bảo hiểm. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Vướng mắc ở hiện tại nằm ở điểm startup này chỉ mới là đại lí cho một công ty bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, Bảo Trọng cho biết Miin vẫn chủ động nghiên cứu và đề xuất các sản phẩm bảo hiểm mới để bán.

Điểm tự tin của startup này nằm ở mô hình bán bảo hiểm mới. Các sản phẩm của Miin khác hoàn toàn công ty bảo hiểm gốc, trong đó nổi bật là bảo hiểm tình yêu. Người dùng sẽ mua bảo hiểm để đảm bảo cho việc bản thân vướng phải "rủi ro" hôn nhân. Khi có giấy chứng nhận kết hôn, người dùng sẽ được Miin bồi thường cho "rủi ro" đấy.

Ngoài ra, việc chỉ góp 2.000 đồng mỗi ngày, theo Bảo Trọng, "chỉ bằng một cốc trà đá" nên rất dễ cho người dùng quyết định. Hơn nữa, hình thức bồi thường là trực tuyến nên tạo được sự tiện lợi.

Là "lão làng" với 30 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, Shark Liên lập tức đặt nghi vấn về vấn đề pháp lí của startup này. "Bà ngoại" lưu ý ngành bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của Nhà nước.

Với tình trạng pháp lí hiện tại, nhà đầu tư này cho rằng Miin không có quyền thanh toán bồi thường trực tuyến, vì dòng tiền phải chảy về quỹ của công ty bảo hiểm gốc. 

"Với những gì bạn đang nói, tôi cảm thấy bạn chưa hiểu gì về bảo hiểm cả", Shark Liên nhận xét.

DAU GIA LAC VIET (1)

"Bà ngoại" cho rằng Miin khó phát triển khi mới chỉ là một đại lí bảo hiểm. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Trả lời vấn đề này, nhà sáng lập Miin khẳng định đã hợp tác với phía công ty bảo hiểm gốc về vấn đề pháp lí. Vì thế, từ tháng 1 đến tháng 5, startup này đã đạt tổng doanh thu 200.000 USD. Trong đó, doanh số của bảo hiểm sức khỏe là 20.000 USD, bảo hiểm tình yêu là 1.000, còn lại là bảo hiểm du lịch gần 200.000 USD. 

Tuy nhiên, hiện tại Miin đã lỗ lũy kế 26%.

Ngoài pháp lí, Miin đang đối mặt với vấn đề chung của bán hàng bằng ứng dụng: vận động được khách hàng tải và thực sự sử dụng. Giải pháp mà đội ngũ của Bảo Trọng đang làm là tích cực hợp tác với các công ty thứ 3 như nhà hàng, khách sạn, máy bay…

Shark Dzung và Shark Thủy bắt tay "bán bảo hiểm"

Về mô hình này, Shark Liên đánh giá cao sự sáng tạo trong ý tưởng sản phẩm, tuy nhiên, cách thức hoạt động của Miin đang bị rối. Dù quyết định không đầu tư, nhưng "bà ngoại" vẫn khuyên Bảo Trọng nên xem xét lại thị trường và các chiến lược hoạt động.

Theo sau Shark Liên, cả Shark Hưng và Shark Việt cũng từ chối đầu tư.

Shark Thủy lại có cái nhìn khác hẳn. Ông cho rằng đây là một mô hình công nghệ ứng dụng và sẽ là một xu thế trong thời gian tới. Nhà đầu tư này quyết định bắt tay cùng Shark Dzung trong thương vụ này, sau 2 lần đôi "cá mập" thảo luận riêng trong phần thuyết trình của Bảo Trọng.

Với đề nghị 500.000 USD cho 30% cổ phần, Shark Dzung giải thích thêm về quyết định của mình: "Về bảo hiểm, anh là một người mù tịt. Nhưng ở góc độ là nhà đầu tư mạo hiểm, anh cảm nhận được đây là một lĩnh vực rất tiềm năng, như cách mà 10 năm trước anh đã nhìn về một số lĩnh vực khác. Ngoài ra, anh thấy em đang rất tâm huyết với dự án".

MIIN (3)

Shark Dzung và Shark Thủy 2 lần thảo luận riêng trước khi quyết định đầu tư và startup này. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Bảo Trọng đề nghị giảm số cổ phần xuống chỉ còn 20%, vì "con đường mình đi sẽ rất dài", startup này tự tin cam kết KPI với các nhà đầu tư. "Em đến đây là để tìm người đồng hành, không phải tìm một mối đầu tư đơn giản", nhà sáng lập này nhấn mạnh.

Nghe xong, Shark Dzung đỡ lời cho Bảo Trọng. Nhà đầu tư này đồng ý mức cổ phần 25%, nếu startup kinh doanh hiệu quả sẽ được trả lại 5% cổ phần. Tuy nhiên, Shark Thủy phản bác: "Nếu với mức này thì anh Dzung đi một mình!". Nhà đầu tư giải thích thêm số phần trăm không phải là vấn đề quá lớn, nhưng "là một nhà đầu tư, anh quan niệm mình phải mua đúng giá theo cách nghĩ của mình".

Cuối cùng, đôi bên thống nhất hợp tác với mức cổ phần 25% đổi lấy 500.000 USD. Dù định giá doanh nghiệp thấp hơn kì vọng ban đầu, nhưng với sự góp mặt của 2 "cá mập", Bảo Trọng cho rằng Miin sẽ rất phát triển và giá trị công ty cũng sẽ tăng lên nhanh chóng.

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.