Mẹ bỉm sữa bế con 6 tháng lên Shark Tank gọi vốn 5 tỉ đồng làm thực phẩm hữu cơ, Shark Việt đòi trao giải Nobel

Tập 12 của Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa 3 chứng kiến màn gọi vốn lạ của “mẹ bỉm sữa” Đỗ Phan Hoàng Sương khi bế cả con đi kêu gọi đầu tư. Startup gọi vốn với mong muốn: vì một tương lai trẻ em phát triển khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ.

Một tay bế đứa con vừa tròn 6 tháng tuổi, một tay dắt thêm bé còn lại đến gọi vốn 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam. "Mẹ bỉm sữa" Đỗ Phan Hoàng Sương giải thích: "2 thiên thần nhỏ này là động lực để em đứng đây ngày hôm nay". Shark Việt xuống tận nơi để giao lưu cùng 2 bé, "bà ngoại" Shark Liên còn dang tay bế con của Hoàng Sương và trêu đùa.

Vì một tương lai trẻ em phát triển cùng thực phẩm hữu cơ

Nhà sáng lập này tâm tình rằng cách đây 6 tháng, đứa con nhỏ của cô chào đời. Vừa được sinh ra, bé mắc phải chứng thủng phổi. Nhưng may thay, vết thủng nhỏ dần, bé sống khỏe mạnh.

Trong một tháng ở bệnh viện, Hoàng Sương tiếp xúc rất nhiều người mẹ có con bị dị tật từ trong bụng mẹ. Và cô nghĩ rằng: "Con mình đã khỏe rồi, mình phải làm gì hơn nữa để giúp cho những đứa trẻ khỏe từ trong bụng mẹ".

Trước đó, từ 2015, "mẹ bỉm sữa" này bắt đầu thành lập Dalat Foodie. Trong quá trình phát triển, cô định hướng cho doanh nghiệp của mình theo đuổi lí tưởng "vì một tương lai trẻ em phát triển khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ". Hoàng Sương chia sẻ: "Mọi người thường nghĩ hữu cơ rất khó nên ít người làm. Nhưng bản thân mình phải tìm cách nào đơn giản nhất để mọi người có thể làm được điều đó".

72424957_2445701449083474_5433808111104163840_o

Dalat Foodie muốn hướng đến một tương lai trẻ em phát triển khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).

Mô hình kinh doanh Dalat Foodie theo đuổi là "farm to people", tức doanh nghiệp đảm bảo trồng thực phẩm hữu cơ cung cấp cho người dùng tự chế biến. Đây là một vòng tròn khép kín, vì startup sẽ bán trực tiếp qua khách hàng mà không qua kênh trung gian nào.

Các sản phẩm được cung cấp chủ yếu là rau, củ, trái cây… Dalat Foodie chia ra từng loại sản phẩm: sản phẩm tươi, sản phẩm qua sơ chế và combo sản phẩm kèm theo thực đơn hướng dẫn.

Về tình hình kinh doanh, đến hết tháng 3/2019, Dalat Foodie có doanh thu 10,5 tỉ đồng. Lượng người dùng đạt được gần 15.500 người, với giá trị đơn hàng trung bình là 290.000 đồng. Theo đó, lợi nhuận lũy kế giai đoạn 2015-2018 là 460 triệu đồng.

Hoàng Sương nuôi tham vọng: "5 năm sau, em muốn chiếm 20% thị phần thực phẩm hữu cơ dành cho trẻ nhỏ".

Nghe đến các số liệu trên, Shark Việt ví von: "Nếu có giải Nobel kinh tế thì anh sẽ trao cho em vì làm nông nghiệp mà có lãi là khó lắm! Em là tổ sư của những nhà làm kinh tế vì nông nghiệp thường bị lỗ liên miên".

72294119_2445701509083468_1639272137938173952_o

Shark Việt dành lời khen cho mẹ bỉm sữa này vì làm nông nghiệp mà vẫn có lãi. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).

Đến kêu gọi 5 tỉ đồng, Hoàng Sương có ý định phân bổ vốn như sau: 1 tỉ đồng dành cho tiếp thị và đào tạo công nghệ blockchain, 500 triệu đồng đầu tư vào công nghệ quản lí, 1,5 tỉ đồng sẽ được dùng cho việc mở rộng nhà xưởng và mở thêm cửa hàng, số tiền còn lại sẽ tập trung vào vốn lưu động và lưu động thường xuyên.

Shark Việt: Tiền không phải là tất cả, đạo đức kinh doanh mới là quan trọng

Startup cho biết có vùng nguyên liệu tại Đức Trọng, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Cần Thơ và Đồng Nai. Nhà sáng lập khẳng định vùng nguyên liệu được các kĩ sư trực tiếp đầu tư và giám sát.

Shark Liên bật lên câu hỏi về việc giám sát chất lượng hữu cơ. Hoàng Sương cho biết startup luôn có những đợt kiểm tra đất, nước định kì và có camera giám sát tại vườn. Để khách hàng an tâm, Dalat Foodie đang áp dụng công nghệ blockchain để giúp truy suất nguồn gốc ngay từ những hạt mầm thông qua các mã QR.

Tuy nhiên, khi Shark Hưng yêu cầu được trải nghiệm, công nghệ này chỉ truy ra thời gian và địa điểm thực hiện hành động chứ không thông tin cho người dùng biết rõ cách thức. Lúc bấy giờ, Shark Hưng và Shark Liên tỏ ý không tin tưởng về độ hữu cơ của thực phẩm Dalat Foodie nên cả 2 nhanh chóng rút lui.

Shark Dzung đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp nhưng hướng đến một mô hình trung gian giúp đỡ nông dân. Vì thế, vị "cá mập" này cũng từ chối lời mời đầu tư. Thay vào đó, Shark Dzung ngỏ ý mời Dalat Foodie trở thành đối tác trong tương lai.

71580370_2445701602416792_4653607510576463872_o

Hoàng Sương đồng cảm với triết lí kinh doanh vì xã hội của Shark Việt. (Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam).

"Trắng tay" từ khi bắt đầu gia nhập "bể cá mập", Shark Linh quyết định "săn mồi" với lời đề nghị 5 tỉ đồng cho 40%, kèm điều kiện giải ngân theo từng giai đoạn. Nhà đầu tư này giải thích Dalat Foodie vẫn còn chưa hiểu rõ khách hàng, và đưa ra mô hình kinh doanh chuẩn mực nhất. Vì thế, Shark Linh sẽ cùng thảo luận với Hoàng Sương và rót tiền triển khai theo giai đoạn để tìm ra câu trả lời thích hợp nhất.

"Đổi khẩu vị", lần này Shark Việt không muốn có quyền chi phối và chấp nhận đúng như tỉ lệ mà Hoàng Sương đưa ra. Vị "cá mập" này giải thích Dalat Foodie đang theo đúng định hướng của hệ sinh thái Intracom: chữa bệnh không chỉ bằng thuốc.

Cuối cùng, Hoàng Sương đưa tay nhận sự giúp đỡ từ Shark Việt. Cô giải thích: "Trong đoạn video giới thiệu các nhà đầu tư, Shark Việt có nói một câu: 'Bất kì dịch vụ, sản phẩm nào mà con người đang cần, xã hội đang thiếu, tôi sẽ đầu tư'. Em thấy mình đồng cảm với điều đó".

Shark Việt đánh giá: "Nếu hôm nay em chọn anh vì mức đầu tư đưa ra hời hơn, có khi anh lại từ chối. Tiền không phải là tất cả đối với doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh mới là quan trọng".

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.