Đôi khi nhà đầu tư mua doanh nghiệp để diệt
Chương trình Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) đã đi đến mùa thứ 3 thế nhưng một trong những sai lầm phổ biến nhất của các startup vẫn chưa thể khắc phục: định giá doanh nghiệp quá cao.
Shark Hưng nêu lên công thức ngắn gọn, định giá doanh nghiệp phải xác định dựa trên mục đích bán và mục đích mua. Phụ thuộc vào mục đích thẩm định giá mà các doanh nghiệp chọn công thức hay là hình thức định giá cho phù hợp.
Với góc nhìn nhà đầu tư, ông giải thích thêm: "Nếu một doanh nghiệp đang ở giai đoạn tương lai sáng ngời, thì người ta sẽ mua để đầu tư tài trợ. Còn doanh nghiệp mà sắp sửa chết đi thì người ta mua để lấy giấy phép, có khi là lấy mấy năm thâm niên của doanh nghiệp. Đôi khi có những doanh nghiệp, nhà đầu tư mua lại để diệt".
Shark Hưng chia sẻ: "Đôi khi có những doanh nghiệp, nhà đầu tư mua lại để diệt". (Ảnh: Ngọc Diễm).
Thực tế trên Shark Tank, nghịch lí dẫn đến nhiều dư luận xôn xao là ở việc người gọi vốn thích nhìn về tương lai, còn nhà đầu tư chuộng nhìn doanh nghiệp ở hiện tại.
Điển hình như trường hợp Shark Bình gọi startup "ngáo giá". CEO Khánh Trình lên gọi vốn cho khung xếp đa năng với tỉ lệ 5 triệu USD đổi 10% cổ phần. Điều đáng nói, startup này chỉ có doanh thu 1 tỉ đồng/tháng nhưng lại định giá doanh nghiệp lên đến 1.000 tỉ đồng.
Shark Bình chỉ ra điểm phi lí khi startup này định giá doanh nghiệp đến 1.000 tỉ đồng: "Lợi nhuận của em hiện nay một năm khoảng 6 tỉ đồng. Tính tối đa thì doanh nghiệp của em định giá cao nhất chỉ được 30 tỉ đồng. Đó còn chưa kể tính các chi phí rủi ro khác. Đừng 'ngáo giá'!".
Cách nhìn khác nhau về định giá doanh nghiệp không chỉ gây ra tranh cãi cho nhà đầu tư và chủ startup, mà còn dấy lên nhiều phen xích mích nội bộ giữa các "cá mập". Shark Liên và Shark Dzung nhiều lần đưa ra quan điểm trái chiều nhau về chuyện này, nhất là với các startup về công nghệ.
Shark Dzung cho rằng: "Trong lĩnh vực công nghệ, sự dịch chuyển giá trị đang rất nhanh. Khi chúng tôi đầu tư vào các công ty công nghệ, đa số là đầu tư vào một ý tưởng còn mới, mà những gì đang mới chưa thành hiện thực nghĩa là đang mơ. Vì thế, tôi mới gọi là đầu tư vào giấc mơ".
Theo Shark Dzung, đầu tư vào startup công nghệ là đầu tư vào giấc mơ. (Ảnh: Ngọc Diễm).
Là một nhà đầu tư tính toán rất nhạy trên Shark Tank, Giám đốc Quỹ Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan giải thích rằng, bản thân có công thức tính toán riêng. Theo đó, ông sẽ định giá dựa vào các số liệu mà startup đưa ra, và nhìn vào tiềm năng tương lai của doanh nghiệp đó.
Shark Dzung thừa nhận: "Thực ra tôi nghĩ trên Shark Tank, startup bị tôi ép giá nhiều hơn bên ngoài. Nhưng sau quá trình thẩm định, tôi có thể tăng giá lên cho các startup nếu thấy hợp lí và đúng giá thực.
Shark Hưng cũng "thú tội" rằng: "Trong Shark Tank, đôi khi tôi ép giá các startup. Xác suất đưa ra giá thấp và không lấy được deal cao hơn rất nhiều so với xác suất trả giá cao để bị 'hớ'. Điều đó có nghĩa là Shark thường trả giá, kì kèo dữ dội lắm!".
Shark Hưng dẫn trường hợp mua về 2% cổ phiếu Luxstay chỉ với 1 USD. Để có được mức giá "hời" trên, Phó Chủ tịch CenGroup cho rằng giá trị cộng hưởng quyết định rất lớn. CenGroup mang về cho Luxstay tệp khách hàng lớn, mối quan hệ với các quỹ đầu tư… Vì thế, quá trình "ép giá" diễn ra thuận lợi.
Với những startup về công nghệ, Shark Hưng sẽ có cách định giá khác. Ông cho rằng định giá trong lĩnh vực này được đưa ra khá cảm tính. Nhà đầu tư hầu hết rót tiền vào con người trong startup.
Là người gọi vốn thành công trên Shark Tank, thuyết phục được Shark Việt rót 500.000 USD đầu tư cho doanh nghiệp, CEO Hồ Việt Hải của Triip.me, chia sẻ một trong những bí quyết định giá doanh nghiệp và gọi vốn thành công của mình là trung thực và nghiên cứu kĩ, phân tích từng gu đầu tư, thậm chí phân tích kĩ từng tập phát sóng của chương trình..
Triip.me phân tích kĩ từng tập của Shark Tank từ mùa đầu để đưa ra định giá tốt. (Ảnh: Ngọc Diễm).
Theo vị CEO này, đội ngũ Triip.me có một tệp Excel. Mọi người chia nhau ra xem tất cả các tập của Shark Tank từ mùa đầu cho đến đến thời điểm đi thi. Họ phân tích Shark nào định giá bao nhiêu, hay bỏ tiền ở mức nào, tỉ lệ thành công là bao nhiêu và câu hỏi thường đặt ra cho startup là gì. Sau khi phân tích, Triip.me đã xác định Shark Việt là người có khả năng sẽ tham gia vào cuộc chơi 500.000 USD.
Ngoài ra, Triip.me may mắn được quỹ Gobi đầu tư vào năm 2016. Nhờ đó, đội ngũ quản trị có thể tham khảo được giá thị trường để đưa ra số tiền hợp lí. Startup này còn tham khảo thêm các trường hợp định giá doanh nghiệp cụ thể từng diễn ra.
Theo đó, Triip.me đưa ra con số GMV (Gross Merchandise Volume là tổng số tiền hàng hóa bán được của một công ty trong khoảng thời gian nhất định, thường theo quý hoặc năm) nhân hệ số 5,5 để ra được giá trị doanh nghiệp 10 triệu USD.
Kinh doanh 21:01 | 09/06/2020
Kinh doanh 12:03 | 28/02/2020
Kinh doanh 22:04 | 02/01/2020
Kinh doanh 06:04 | 15/12/2019
Kinh doanh 20:25 | 13/12/2019
Kinh doanh 06:19 | 10/12/2019
Kinh doanh 15:26 | 02/12/2019
Kinh doanh 19:06 | 29/11/2019