Ông chủ Việt kiều của Tập đoàn Mỹ Lan: Ai hỏi tôi ở đâu khởi nghiệp dễ nhất, tôi sẽ nói Việt Nam

Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, ông Nguyễn Thanh Mỹ, cho rằng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đã đổi mới rất nhiều. Các startup phải nhanh nhạy khai thác nội lực để tạo ra thành công.

3 doanh nhân "lão làng" Shark Nguyễn Thanh Việt, ông Nguyễn Thành Nhơn - nhà sáng lập Kem đánh răng Dạ Lan, và ông Nguyễn Thanh Mỹ của Tập đoàn Mỹ Lan, mới đây đã cùng hội ngộ trong một sự kiện của Shark Tank, để cùng nhau bàn về kinh nghiệm khởi nghiệp với 1.000 startup và chủ doanh nghiệp. 

Ông chủ Tập đoàn Mỹ Lan: Ngày trở về Việt Nam khởi nghiệp, người ta gọi tôi là "Việt kiều té giếng"

Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn "hừng hực khí thế". Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 102.300 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, với tổng vốn đăng kí là 1.290,8 nghìn tỉ đồng, tăng 5,9% về số lượng và tăng 34% về số vốn so với cùng kì năm 2018.

Bên cạnh đó, 9 tháng qua còn có 27.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kì năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2019, lên hơn 129.800 doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân để con số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và thành lập mới ngày một tăng, trong đó thủ tục pháp lí dần "cởi trói" cho doanh nhân cùng nền kinh tế và dân số năng động sẵn có của Việt Nam.

TOA DAM 2 - GIAI MA THAT BAI (4) - TRINH THANH NHO - SANG LAP KEM DA LAN

Người sáng lập kem đánh răng Dạ Lan cho rằng người trẻ khởi nghiệp ngày nay đã rất hạnh phúc. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn ICC, nhà sáng lập thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, khẳng định môi trường khởi nghiệp và hỗ trợ kinh doanh Việt Nam đang tốt lên.

"Các bạn trẻ khởi nghiệp ngày hôm nay đã là một điều hạnh phúc so với chúng tôi ngày xưa. Thời đó, phận con buôn luôn chịu nhiều áp lực. Nhưng tôi vẫn vượt qua được đấy thôi!", ông chia sẻ. 

Với môi trường kinh doanh càng ngày mở cửa, ông chủ Dạ Lan khuyên giới trẻ nên tận dụng để có những bước đi thành công.

Đồng tình với nhận định của nhà sáng lập kem đánh răng Dạ Lan, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, khẳng định: "Nếu ai hỏi tôi ở đâu khởi nghiệp dễ nhất, tôi sẽ nói Việt Nam. Còn ở đâu khó nhất, tôi sẽ trả lời là Manhattan (Mỹ)".

Là một kiều bào xa quê, nuôi chí quay về xây dựng quê nhà, năm 2004, ông Mỹ quyết định trở về Trà Vinh khởi nghiệp. Ông kể lúc bấy giờ bạn bè ở nước ngoài khi nghe đến ý định này, ai ai cũng nói: "Mày điên hả mà về Việt Nam, còn về Trà Vinh nữa! Đó là một thị trường 'té giếng', ai bị 'té giếng' mới về làm". 

Ngay cả người dân tại Trà Vinh cũng gọi ông là "Việt kiều bị té giếng". Thế nhưng, ông chủ Mỹ Lan vẫn quay về khởi nghiệp nơi đất tổ.

Ông cho biết quả thật khi trở về quê nhà, khó khăn lớn nhất chính là tư duy chưa cởi mở. "Người Việt vốn sẵn có tố chất thông minh, nhưng không có môi trường văn minh để sáng tạo. Môi trường làm việc nền nếp theo kiểu truyền thống, có phần quan liêu khiến người trẻ thiếu đất dụng võ, khiến tôi khá chật vật ngày đầu khởi nghiệp", ông Mỹ nói .

TOA DAM 2 - GIAI MA THAT BAI (8) - TS NGUYEN THANH MY

Ông Nguyễn Thanh Mỹ: "Người Việt vốn sẵn có tố chất thông minh nhưng không có môi trường văn minh để sáng tạo". (Ảnh: Ngọc Diễm).

Sau thời gian vấp váp ban đầu, ông nhận ra: "Muốn nhanh thì phải từ từ và kiên nhẫn. Ngoài tự xây dựng hạ tầng cho doanh nghiệp của mình, tôi cũng phải tự đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự có đạo đức, trách nhiệm, kỉ luật và sáng tạo. Và cho đến hiện nay thì 'Việt kiều té giếng' đã thành công".

Tập đoàn Mỹ Lan hiện có nhiều đối tác ở Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản, với 4 công ty thành viên gồm Công ty hóa chất Mỹ Lan, Công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, Công ty quang điện tử và Công ty American Dye Source ở Canada, với hơn 500 nhân viên ở độ tuổi dưới 27.

Mỹ Lan hiện tăng trưởng ở mức ba con số, được các chuyên gia trên thế giới đánh giá cao về công nghệ và sử dụng rộng rãi. 

Ở độ tuổi lục tuần, ông Mỹ vẫn quyết định khởi nghiệp lần thứ ba, với Rynan Agrifoods, công ty sản xuất phân bón thông minh, giúp phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, giúp tăng doanh thu cho người nông dân, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải ra do canh tác hóa học.

Shark Việt: "Nỗi đau lớn nhất của tôi là thiếu người, mình khó khăn là người ta bye bye"

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như ông "Việt kiều té giếng" Nguyễn Thanh Mỹ. Con số thất bại trên "mặt trận" khởi nghiệp không hề ít. 

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đã là 21.200 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2019 là 12.100 doanh nghiệp, tăng 4,7% so với cùng kì năm trước. Chủ yếu vẫn là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng có số lượng giải thể nhiều nhất.

Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Tập đoàn Intracom, chỉ ra nhiều mấu chốt giải mã thất bại trong khởi nghiệp. Theo ông, tuy đã đổi mới rất nhiều nhưng cơ chế và chính sách trong kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần khắc phục. 

Nền kinh tế đang dần chuyển đổi số, Shark Việt đặt ra câu hỏi: "Liệu cơ quan quản lí nhà nước có kịp chuyển đổi cùng chúng ta không? Không ít công tác còn quá nhiều giấy tờ. Tôi cho rằng cơ quan quản lí phải thay đổi theo kịp cộng đồng startup".

TOA DAM 2 - GIAI MA THAT BAI (2) - NGUYEN THANH VIET

Shark Việt lưu ý các startup phải kiên định trong kinh doanh, tránh "cả thèm chóng chán". (Ảnh: Ngọc Diễm).

Trong quá trình lập nghiệp, Shark Việt đồng ý với quan điểm của ông Thanh Mỹ, khó khăn về nhân sự là một thử thách lớn. 

"Nỗi đau lớn nhất của tôi là thiếu người: thiếu người chuyên nghiệp, thiếu người có tâm. Khi mình thuận lợi thì người ta sẽ 'hello', còn khi mình khó khăn thì người ta lại 'bye bye' rồi đi mất", ông chia sẻ.

Ông quan niệm: "Khởi nghiệp như trẻ mới sinh bị thiếu oxy, phải chăm sóc rất kĩ, không được bơm oxy quá nhiều mà cũng không thể ít quá". 

Người chủ doanh nghiệp cần xác định: "Thất bại đang chờ chúng ta ngoài cửa kia kìa! Vì chính sách, vì thị trường, vì nhiều yếu tố khách quan… đều có thể dẫn chúng ta đến thất bại", Shark Việt lưu ý.

Khởi nghiệp thất bại do "cả thèm chóng chán"

Tuy nhiên, phải nhìn nhận nguyên nhân khách quan chỉ ở mức tác động, còn quyết định sự thành bại nằm ở những điều chủ quan. "Tôi cho rằng điều làm người ta thất bại nhất là 'cả thèm chóng chán'. Không có một công thức nào để startup thành công, chỉ có kiên trì", Shark Việt khẳng định.

TOA DAM 2 - GIAI MA THAT BAI (6)

Lần hiếm hoi, bộ 3 doanh nhân lão làng hội ngộ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Với kinh nghiệm hàng chục năm "ăn nên làm ra và thất bại từ Dạ Lan", ông Thành Nhơn cũng đưa ra những lời khuyên tương tự. 

"Để kinh doanh, việc dầu tiên là xác định ngành nghề, sau đó nỗ lực, tâm huyết với nó mới hi vọng thành công. Tôi thất bại nhiều lần nhưng vẫn kiên trì. Đến ngày hôm nay đã hơn 60 tuổi, tôi vẫn đeo đuổi việc kinh doanh với mục tiêu giành lại thị phần Dạ Lan mà trước đây đã mất", ông chia sẻ.

Nhà sáng lập Dạ Lan nhấn mạnh: "Không có gì ông trời cho mình dễ dàng. Cái gì dễ dàng thì cũng dễ mất".

Nhiều startup trẻ cho rằng nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định lớn nhất đến thành bại. Nhưng theo ông Thanh Mỹ, biết cách khai thác sức mạnh nội lực mới là điều quan trọng.  "Tiền nằm ở bộ não của mình. Khi khởi nghiệp, các bạn nên nhìn vào bản thân mình trước đã, về khả năng, về đội ngũ, về nguồn lực… Người khởi nghiệp phải tâm niệm  'thua keo này, bày keo khác', phải khai thác nội lực để tạo ra thành công".

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.