Shark Bình: Chúng ta bị ngáo thuật ngữ nên mới sợ chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang là thực tế tất yếu, “uốn cong” con đường kinh doanh, tạo nhiều thách thức với các doanh nghiệp ù lì. Người chủ phải luôn sẵn sàng đổi mới để tránh tai nạn trên đường cong chuyển đổi số.

Khái niệm "chuyển đổi số" xuất hiện nhiều trên hầu hết phương tiện truyền thông đại chúng gần đây. Tại Việt Nam, khái niệm này thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng việc áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức quản lí, quy trình làm việc cũng như văn hóa công ty.

Shark Bình: Ta bị "ngáo thuật ngữ" nên mới sợ chuyển đổi số

Chia sẻ tại tọa đàm Chuyển đổi số - Giải mã thất bại, khởi nghiệp thành công - Định giá đúng, gọi vốn trúng, Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, nói rằng chuyển đổi số là thực tế tất yếu, khó đi ngược.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quá trình này nghe "hầm hố" nhưng thật ra lại đơn giản. Shark Nguyễn Hòa Bình, khẳng định: "Chuyển đổi số đôi khi là những việc mình đang làm hàng ngày, như ta dùng phần mềm quản lí giấy tờ, quản lí bán buôn… Ta bị 'ngáo thuật ngữ' nên mới sợ".

Theo ông, hiểu đơn giản chuyển đổi số chỉ là sự ứng dụng liên tục các công cụ số vào mọi mặt kinh doanh của doanh nghiệp.

bình

Shark Bình: Ta bị "ngáo thuật ngữ" nên mới sợ chuyển đổi số. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Chủ tịch NextTech đưa ra lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về quá trình này. Ông lưu ý: "Hãy tìm 'tri kỉ' trong chuyển đổi số".

Trỉ kỉ ở đây chính là các doanh nghiệp giúp cho công ty vừa và nhỏ thực hiện không tốn phí mà chỉ chia lợi nhuận. Đây là giải pháp phù hợp khi các công ty chưa thật sự mạnh về nguồn tài chính và nhân lực.

Ông khẳng định: "NextTech luôn làm 'tri kỉ' với các startup có mô hình kinh doanh phù hợp".

Môi trường kinh doanh đã là đường cong, nhiều kẻ đi ngược chiều mà ta khó thấy

CEO VNG Cloud Vũ Minh Trí, cho rằng tuổi thọ của các công ty nằm trong danh sách Fortune (bảng xếp hạng các công ty lớn nhất hành tinh theo doanh thu) ngày càng ngắn. Từ con số trung bình 60 năm, tuổi thọ của các ông lớn dần còn lại 30 năm, và rồi những năm gần đây rút còn 3 năm. Nguyên nhân phần nhiều là do chuyển đổi số tác động.

Vị này chỉ ra rằng trong bối cảnh mới, quanh ta có rất nhiều thiệt bị thu thập dữ liệu với giá rẻ. Đó là tiền đề cho việc thu thập, lưu trữ, xử lí thông tin, 3 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.

CEO Vũ Minh Trí khẳng định: "Ngày xưa, môi trường kinh doanh được ví như một xa lộ thẳng tấp, công ty nào càng nhìn thấy điểm xa thì họ càng thành công. Nhưng đến giờ, môi trường kinh doanh đã là một đường cong, có nhiều kẻ đi ngược chiều mà ta khó thấy. Nếu cứ mặc nhiên tiến về trước, đến khúc cua, ta dễ bị vấp phải họ".

Kẻ đi ngược chiều mà vị này đang ví von chính là các ông trùm trong thời đại chuyển đổi số, trên thế giới có Amazon, Facebook… trong nước có Tiki, Sendo… Vì thế, các chủ doanh nghiệp không chỉ lo xa mà cần phải tính gần.

Những việc làm, kế hoạch của ngày hôm qua, đến hôm nay và ngày mai có thể sẽ không còn phù hợp. Nếu không có tư duy thích ứng với đổi mới, "tai nạn" trên cung đường kinh doanh là điều khó tránh.

Với đường cong chuyển đổi số, ông Trí cho rằng mỗi công ty cần trang bị 2 kĩ năng. Trước hết, ta phải có đủ dữ liệu. Các công ty có thể có nhiều dữ liệu nhưng chưa chắc đã đủ. Quá trình thu thập dữ liệu không chỉ diễn ra ở nội bộ ngành nghề, đối thủ, sàn kinh doanh của công ty mà còn phải lan rộng ra ngoài lĩnh vực hoạt động.

Sau khi có đủ dữ liệu, cần chuyển những dữ liệu thô thành thông tin đáng giá qua quá trình xử lí. Từ đó, công ty có được những quyết định và hành động hợp lí, đặc biệt trả lời cho 2 câu hỏi: Cái gì đang sắp xảy ra và chúng ta quyết định thế nào.

VU MINH TRI - THUYET TRINH CHUYEN DOI SO (2)

CEO VNG Cloud lưu ý chính người chủ doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số, đừng giao nhân viên IT. (Ảnh: Ngọc Diễm).

84% công ty chuyển đổi số thất bại

Tuy nhiên, ông Trí cũng lưu ý không phải bất cứ công ty nào tham gia vào quá trình này cũng thành công. Một nghiên cứu của Forbes cho thấy có đến 84% các công ty đang chuyển đổi số thất bại. Tỉ lệ công ty thành công chỉ là 5%.

CEO Vũ Minh Trí chỉ rõ các bước để tránh thất bại trong quá trình chuyển đổi số. Trước hết, chủ doanh nghiệp phải tự cam kết thực hiện quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình lâu dài, cần lặp đi lặp lại. Điều quan trọng là tư duy chịu đổi mới.

Nhiều nơi, người chủ thường "giao đứt" việc này cho nhân viên công nghệ thông tin, đây là sai lầm, vì quá trình này phải được diễn ra toàn thể, không riêng lẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, lưu ý: "Đừng giao cho nhân viên IT, chính lãnh đạo doanh nghiệp phải là người dùng các phần mềm. Chúng ta dùng rồi sẽ 'từ ấy trong tôi bừng nắng hạ' vì những phần mềm này được thiết kế ra để ai cũng sử dụng được".

 Shark Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc Vintech City, cho rằng cần sự linh động thích ứng khi nhìn nhận về vấn đề này. 

Bà Phi khẳng định: "Chuyển đổi số là một 'cơn đau', một quá trình 'lột xác' nên một số công ty chưa hẳn phải cần chuyển đổi số. Điều này còn tùy thuộc vào sức chịu đựng của từng công ty". Nhà đầu tư này cho rằng mỗi công ty còn chịu nhiều áp lực "cơm áo gạo tiền". Chuyển đổi số sẽ là gánh nặng rất lớn nếu số tiền thực thi đôi khi lớn hơn nhiều lần doanh thu họ đạt được.

Theo bà Phi, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến 84% công ty thất bại khi chuyển đổi số, không giữ được sức bền để đi đến cuối cùng.

Thách thức không nhỏ trong quá trình này là ở ý thức nhân sự. Một nghịch lí luôn diễn ra khiến nhiều người lo sợ: chuyển đổi số là tốt cho doanh nghiệp nhưng khiến máy móc có thể thay thế nhân viên trong nhiều đầu công việc. Từ đó, nỗi lo lương giảm, việc mất là điều khó tránh.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.