Lên Shark Tank gọi vốn phát triển việc làm thời vụ, cựu nhân viên Tiki được cá mập tranh nhau đầu tư, Shark Liên muốn kí set tại trường quay

Với kinh nghiệm làm việc tại Tiki, startup về việc làm thời vụ nhận “mưa lời đề nghị” từ cả 4 cá mập. “Bà ngoại” Sark Liên còn gây sốc khi tuyên bố muốn kí set đầu tư ngay tại trường quay.

Tập 15 của Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam 2019) chứng kiến màn thương thuyết gây cấn trong phần gọi vốn của CEO Phan Xuân Cảnh và CTO Nguyễn Sơn Tùng cho nền tảng Việc Có.

Nền tảng từng được Giao Hàng Nhanh, Grab ngỏ ý hợp tác

Theo Xuân Cảnh, tình trạng doanh nghiệp đau đầu tìm nhân lực ngày càng nhiều, trong khi đó, không ít người lao động luôn sẵn sàng tìm thêm thu nhập. Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người thuộc nhóm lao động phổ thông và làm tự do. Con số này tại cả thị trường Đông Nam Á là 100 triệu người. Vì thế, Việt Có ra đời, là một nền tảng kết nối những người làm tự do các công việc đơn giản với phía doanh nghiệp.

Đến với Shark Tank, 2 đồng sáng lập gọi 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, và ưu đãi 10% cho vòng gọi vốn sau, dự kiến lên đến 1 triệu USD. Hiện Việc Có đang hoàn tất vòng gọi vốn Hạt giống với tổng quy mô 300.000 USD.

VIECCO (7)

CEO Xuân Cảnh muốn hợp tác cùng các "cá mập" dù startup 9 tháng nữa mới cần tiền. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Năm 2015, Xuân Cảnh đã nghĩ ra mô hình kinh doanh này. Lúc bấy giờ, hàng loạt các tên tuổi lớn ngỏ ý hợp tác như Giao Hàng Nhanh, Grab, Tiki… Nhưng đây là "đứa con" của Cảnh nên CEO này không nỡ "gả" cho ai.

CEO Việc Có chia sẻ chân thành rằng số tiền này phải đến 9 tháng nữa, startup mới dùng đến. "Em rất thích làm việc với các Shark nên tham gia gọi vốn. Em nghĩ đây là một cơ hội rất tuyệt vời", vị này bộc bạch.

Hiện nay, Việc Có đang tập trung hoàn toàn vào khách hàng doanh nghiệp. "Cuộc chơi C2C đã quá khốc liệt. Rất có thể một ngày nào đó, Grab hay Go-jek nhảy vào thì các bạn kia 'đi bụi'", CEO chia sẻ.

Việc Có thu 20% phí dịch vụ từ phía các doanh nghiệp. Hiện, nền tảng có 10 khách hàng, chủ yếu đến từ ngành kho bãi, thương mại điện tử…

Về tình hình hoạt động, từ đầu năm 2019 đến nay, Việc Có đã thu hút được 14.000 người đăng kí đi làm. Theo Sơn Tùng, doanh thu của nền tảng này tăng 50% hàng tháng. Tháng gần nhất , tổng thu nhập cho các cộng tác viên đã đạt con số 1,5 tỉ đồng.

Cựu nhân viên Tiki tham vọng dẫn đầu thị trường lao động thời vụ

Shark Liên đặt vấn đề về bảo hiểm cho người lao động. Xuân Cảnh nhanh trí đáp lời: "Đấy là lí do tụi em muốn được hợp tác cùng chị". 

Hiện tại, nền tảng này đang đàm phán với một số khách hàng về việc tích hợp bảo hiểm lao động. Với những nhóm lao động đã gắn bó lâu dài, Việc Có sẽ đứng ra mua bảo hiểm, còn lại chỉ nhận được trợ giá.

Tiếp đó, Shark Việt tỏ ra nghi vấn về trách nhiệm trong việc xảy ra rủi ro lao động. CTO Sơn Tùng đáp: "Tụi em không tạo ra một thứ rủi ro hơn. Những người lao động thời vụ vẫn đang làm việc bên ngoài, chịu đầy rẩy nhiều rủi ro. Tụi em tạo ra cơ hội để chúng ta có thể làm tốt hơn tất cả những vấn đề trên. Dần dần sẽ bổ sung thêm nhiều thủ tục để có được những đối tác tin cậy".

VIECCO (5)

Cựu nhân viên Tiki có màn "hỏi xoay đáp xoáy" với Shark Bình ấn tượng. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Đến lượt Shark Bình "hỏi xoay" rằng nếu các nền tảng tuyển dụng truyền thống nhảy vào, liệu Việc Có sẽ ra sao. 

CEO Xuân Cảnh cho rằng: "Câu hỏi của anh cũng giống như câu hỏi: Nếu các hãng taxi truyền thống nhảy vào làm ứng dụng thì Grab có chết không? Câu trả lời là không". Theo Cảnh, nếu một startup tăng trưởng cực nhanh, cơ hội trở thành người dẫn đầu thị trường sẽ rất cao.

Cảnh và Tùng đều là cựu nhân viên tại Tiki. Sau khi rời nền tảng thương mại điện tử này, Tùng có 2 năm học thạc sĩ về vận hành tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ. 

Xuân Cảnh cho biết: "Tụi em rất may mắn khi được tham gia vào cuộc chơi tăng trưởng 3-5 lần tại Tiki". Vì thế, 2 nhà đồng sáng lập tự tin trong việc vận hành Việc Có tăng trưởng thần tốc.

Shark Liên: Đừng đùa với chị già nhé!

Về giá trị nhân văn, Shark Liên đánh giá rất cao startup trên. 

"Bà ngoại" khẳng định: "Cuộc đời 60 năm qua của tôi chưa bao giờ cho ai vay tiền để lấy lời". Định hướng của Việc Có chưa phù hợp với vị "cá mập" này, nhưng vì giá trị nhân văn, nếu có nhà đầu tư nào đồng ý, Shark Liên sẽ rót vốn chung.

SHARK LIEN (1)

Shark Liên đánh giá cao tính nhân văn của nền tảng đối với người lao động thời vụ. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Bình tỏ ý đồng cảm với những khó khăn mà Việc Có đang đối mặt. Nhà đầu tư này đề nghị 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, kèm quyền mua cổ phiếu vòng sau với mức giảm 30%, lãi suất "nhẹ nhàng, hữu nghị" 6%. 

"Đây là một hứa hẹn chưa biết bao giờ diễn ra. Nếu vòng sau không gọi được ai, anh lại phải nuôi. Nếu startup sập, anh mất hết 300.000 USD", Shark Bình giải thích.

Ngoài ra, "cá mập" này còn chiêu dụ: "Anh có bí quyết để giúp margin tăng 1,5 lần. Anh cam kết là như vậy".

Shark Dzung cũng muốn xuống tiền và đề nghị mức giảm giá vòng sau chỉ 20% mà không cần lãi suất. "Cá mập công nghệ" kèm điều kiện CAP (mức trần giá trị công ty) phải đạt 2,5 triệu USD và qualify round (vòng chất lượng) phải là 1 triệu USD.

Chưa dừng lại, Việc Có nhận thêm lời đề nghị từ Shark Hưng. Vị "cá mập" này đưa ra 2 phương án: mức giảm giá là 30% với lãi suất là 15%, hoặc mức giảm giá là 20% với lãi suất là 20%.

Riêng Shark Việt rút lui khỏi thương vụ này. Ông đưa ra lời khuyên: "Bản chất của thị trường lao động là nhạy cảm. Mình phải làm sao vừa an toàn cho người lao động, người sử dụng lao động và cả cho bản thân".

Trong lúc Shark Bình, Shark Dzung và Shark Hưng liên tục giằng co, "bà ngoại" thay đổi ý định đầu tư chung, và tuyên bố: "Đừng đùa với chị già nhé!". Theo đó, Shark Liên khẳng định giữ nguyên phần gọi vốn của Việc Có và kí set 300.000 USD ngay tại trường quay. Tuy nhiên, Shark Việt phản đối, vì không đúng luật chương trình.

Chốt màn gọi vốn, CEO Xuân Dũng cho biết: "Việc bọn em đặt tên miền viec.co là do muốn mang nền tảng phát triển ra thế giới. Shark Dzung là một người đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ startup về công nghệ, nên em sẽ bắt tay với anh".

VIECCO (1)

Với kinh nghiệm về công nghệ, Shark Dzung giành được "mồi ngon" trước Shark Bình và Shark Hưng. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Ngay lập tức, Shark Dzung mời Shark Liên cùng tham gia thương vụ. Kết thúc màn gọi vốn với "mưa lời đề nghị", Việc Có được Shark Dzung rót 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi không lãi suất. Ở vòng gọi vốn sau, "cá mập công nghệ" sẽ có quyền giảm giá 20%, kèm điều kiện CAP đạt 2,5 triệu USD và qualify round là 1 triệu USD. 

Riêng phần rót vốn của Shark Liên sẽ được thương thảo sau chương trình.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.