Cận cảnh toà tháp nghìn tỉ 'đắp chiếu' 8 năm trên đất vàng thủ đô được Vicem xin bán

Được khởi công từ quý II/2011 và dự kiến hoàn thành vào quý III/2017 nhưng hiện nay, toà tháp Vicem vẫn chưa được hoàn thiện. Và toà tháp này đang được Vicem xin chuyển nhượng để tái cấu trúc toàn bộ tổng công ty.
Anh1

Thông tin Vicem xin chuyển nhượng tòa tháp 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư cũng như thị trường bất động sản.

Anh2

Đây là toà tháp nằm ở mặt đường Phạm Hùng gần ngay Keangnam Hanoi Landmark Tower. Chủ đầu tư là Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam. Toà tháp nằm trong khu đất có diện tích sử dụng gần 8.500m2. Diện tích xây dựng là 2800 m2 với mục đích làm trụ sở điều hành của doanh nghiệp này.

Anh11

Được khởi công từ quý II/2011, toà tháp này của Vicem là một trong những toà tháp cao nhất ở đường Phạm Hùng tại thời điểm đó. Thời điểm hoàn thành được dự kiến là quý III/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công trình vẫn còn ở dạng cơ bản hoàn thành thô.

Anh2a

Anh3

Toà tháp có 4 tầng hầm và 31 tầng nổi.

Anh4

Theo quan sát, bên trong công trình không có công nhân thi công.

anh13

Anh5

Tủ hồ sơ trống rỗng.

Anh6

Khu ở của đơn vị kỹ thuật cũng đã han gỉ.

Anh7

Ở tầng thượng, tấm chắn bê tông chưa được hoàn thiện.

Anh8

Mới chỉ có 8 tấm kính được lắp dở dang ở những tầng thấp.

Anh9a

Anh9

Xung quanh toà tháp được quây kín bằng các tấm tôn.

Toàn cảnh dự án tòa tháp dự kiến làm trụ sở điều hành của Vicem.

Liên quan đến việc Vicem xin chuyển nhượng tòa tháp 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn, trao đổi với Tiền Phong Online, ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (vicem) cho biết sau khi có văn bản xin Bộ Xây dựng về việc bán tòa tháp, Bộ Xây dựng đã đồng ý và yêu cầu Vicem có ý kiến với Bộ Tài chính xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.

Theo ông Minh, trước đó, năm 2016, Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn Vicem về việc chuyển nhượng này. Đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng yêu cầu Vicem đánh giá lại quá trình đầu tư. "Chúng tôi thấy nếu đầu tư tiếp hiệu quả thấp, thứ hai là không được đầu tư ngoài ngành. Sau khi xác định, phương án tối ưu nhất Vicem chọn chuyển nhượng", ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng, trong phương án chuyển nhượng cộng chi phí hình thành để đầu giá theo quy định của pháp luật. Quá trình gồm thuê tư vấn định giá, xác định giá trần để đấu thầu trên nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước. Hiện, theo giá trị mới thanh toán tòa tháp được đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng trong đó bao gồm giá trị đất.

"Bán xong tòa tháp thu hồi vốn, Vicem dùng để tái cấu trúc toàn bộ tổng công ty. Trong đó có tăng năng lực sản xuất thì phải cấp vốn nếu đơn vị nào hiệu quả. Giữa vốn điều lệ nhà nước cho và vốn chủ còn lại, nhà nước sẽ thu. Nếu đề án tái cấu trúc được phê duyệt do Bộ Xây dựng duyệt. Tiền bán không ưu tiên việc trả nợ mà ưu tiên việc tái cấu trúc. Các công ty con phải cân đối khoản nợ", ông Minh cho hay.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty đạt hơn 1.725 tỉ đồng (cao hơn 274 tỉ đồng so với năm trước). Nợ phải trả tính đến cuối năm 2018 giảm hơn 2.432 tỉ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2018 tăng hơn 827 tỉ đồng so với đầu năm.

Theo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam năm 2018, Vicem đang thoái vốn tại Công ty CP Vicem TMDV Vận tải XM Hải Phòng, Công ty CPCP Vicem Vận tải Hoàng Thạch, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Tấm lợp VLXD Đồng Nai, Công ty CP Cao su Đồng Phú - Kratie, Công ty CP Vicem Bao bì Bỉm Sơn, Công ty CP Vicem Bao bì Bút Sơn, Công ty CP Vicem Bao bì Hải Phòng, Công ty CP Vicem Bao bì Hà Tiên, Công ty Tài chính cổ phần xi măng.

Trong năm 2019, Vicem dự kiến tiếp tục triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn. Cụ thể, ngày 15/1, Vicem đã trình Bộ Xây dựng , Ban chỉ đạo Cổ phần hoá Vicem bộ hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019. Ngày 18/3, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán kết quả định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng Công ty Vicem. Sau khi có kết quả kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ công bố giá trị doanh nghiệp của Vicem. Phối hợp với đơn vị tư vấn - CTCP chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam triển khai xây dựng, hoàn thiện phương án cổ phần hoá Vicem để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sau đó thực hiện tổ chức phương án cổ phần hoá được Thủ tướng phê duyệt; hoàn tất việc chuyển thành Công ty cổ phần và đăng ký lưu ký, giao dịch chứng khoán (đăng ký giao dịch trên UPCOM)...