Thời gian qua, báo chí phản ánh rất nhiều vi phạm trật tự xây dựng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó Hà Nội và TP HCM có lẽ là hai địa phương được nhắc đến nhiều nhất.
Không khó để điểm ra hàng loạt công trình xây dựng sai phạm kiểu “voi chui lọt lỗ kim”. Đơn cử, dự án Laimanin City tại Quận 2, TP HCM, do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư, có quy mô tới hơn 13.000 căn hộ, mà xây dựng khi chưa có giấy phép.
Hay tại Dự án khu dân cư nhà ở Vĩnh Lộc A (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM) do Công ty TNHH kinh doanh nhà Đồng Danh làm chủ đầu tư cũng được phản ánh có nhiều công trình xây dựng sai thiết kế và đã bị cơ quan chức năng buộc tháo dỡ…
Nhà ở được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Định Công (Hà Nội). (Ảnh minh họa: KT).
Tại kỳ họp HĐND TPHCM mới đây, ngày 13/7/2019, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đã nêu những con số giật mình rằng, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, TP. HCM có tới 1.640 trường hợp sai phạm xây dựng, trong đó có 619 trường hợp xây dựng sai phép, 616 xây dựng không phép và 405 vi phạm khác.
Cũng tại kỳ họp này, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cũng phải nhận trách nhiệm trước tình hình xây dựng sai phép, không phép đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do bất cập trong quản lý, có nơi còn buông lỏng.
Còn tại Hà Nội, tòa nhà 8B Lê Trực (tại quận Ba Đình), do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh đô TCI Group) làm chủ đầu tư, cũng được nhắc đến như một “u nhọt” về vi phạm trật tự xây dựng tại Thủ đô và việc xử lý vi phạm cũng kéo dài mấy năm nay chưa xong.
Trước đó, một tòa nhà 18 tầng do Công ty cổ phần địa ốc Alaska làm chủ đầu tư cũng được xây dựng khi chưa có giấy phép ngay gần trụ sở UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)…
Kết luận phiên giải trình ngày 25/3/2019 về quản lý trật tự xây dựng, Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng đã chỉ rõ chính quyền cấp cơ sở chưa quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm công trình vi phạm, báo cáo kết quả xử lý còn thiếu chính xác, nhiều công trình vi phạm chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm đã đưa ra ngoài danh sách công trình vi phạm; nhiều công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời...
Những con số nêu trên chỉ là rất ít trong số những sai phạm xây dựng trên cả nước mấy năm gần đây.
Rõ ràng, hệ quả những sai phạm xây dựng thì nhãn tiền cả nhà nước, nhân dân và nhiều người trong cuộc đều có phần thiệt hại. Nhưng chắc hẳn nó phải mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó thì sai phạm mới có đất sống và tràn lan như một vấn nạn.
Ai cũng biết, nước ta có hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, thanh tra xây dựng từ Trung ương đến địa phương. Vậy các nhà chức trách ở đâu khi các công trình đó được xây dựng?
Thực tế, vấn nạn xây dựng không phép, sai phép rộ lên, chính quyền các cấp đã vào cuộc, nhiều công trình bị cưỡng chế, không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Nhưng dường như sai phạm không giảm và có dấu hiệu nhờn luật, thậm chí coi thường pháp luật.
Thiết nghĩ, muốn thực chất nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, không chỉ TP HCM mà tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, trước hết phải nghiêm khắc với chính đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng của mình.
“Con voi” sẽ không thể chui lọt “lỗ kim” đến nực cười như thực tế quản lý trật tự xây dựng thời gian qua, nếu các cơ quan chức năng thực thi đúng nhiệm vụ và xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Đặc biệt, sẽ khó mà lập lại và giữ trật tự xây dựng nếu còn tình trạng sai phạm thì phạt hành chính rồi cho tồn tại, hoặc tìm cách điều chỉnh, bổ sung hồ sơ pháp lý để hợp thức hóa phần sai phạm.
Việc giữ trật tự xây dựng sẽ chỉ là giấc mơ xa nếu không tăng chế tài xử phạt và xử phạt nghiêm minh đối với cả người vi phạm và cán bộ liên quan.
Hơn nữa, phải công khai các sai phạm và kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân giám sát, phản biện. Như vậy, nhân dân sẽ tin tưởng, đồng thuận và làm “tai mắt thiên hạ” đồng hành chính quyền đảm bảo trật tự xây dựng.