Cần hơn 174.000 tỷ đồng xây nút giao, đường nối cao tốc

Các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng nút giao, đường kết nối với tổng vốn hơn 174.000 tỷ đồng để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc.

Báo cáo Chính phủ về kết nối các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã nhận được kiến nghị, đề xuất của các địa phương xây dựng nút giao, đường nối với cao tốc trên địa bàn.

Các địa phương đã bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư 9 nút giao. Trong đó, Bắc Giang có một nút giao trên tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn; Vĩnh Phúc có hai nút giao trên tuyến Nội Bài - Lào Cai; Hà Nam có hai nút giao trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hưng Yên có một nút giao trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hải Dương có một nút giao trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng; Đà Nẵng có một nút giao tại tuyến La Sơn - Hòa Liên; Bình Thuận có một nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

7 nút giao cần mở rộng song chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, gồm ba nút giao trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, 4 nút giao trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Việt Quốc).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện nút giao hơn 33.000 tỷ đồng, đến nay đã bố trí được gần 4.700 tỷ đồng.

Đối với đường kết nối cao tốc, có 10 dự án kết nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư. Trong đó, Bắc Giang có một tuyến nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Thanh Hóa có ba tuyến nối cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, hai tuyến nối cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Hà Tĩnh có hai tuyến nối cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng; Đà Nẵng có một đường nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Cần Thơ có một tuyến nối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ngoài ra, các địa phương kiến nghị 71 hạng mục đầu tư mới hoặc mở rộng tuyến kết nối gồm cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Việc đầu tư các tuyến này chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Để hoàn thiện các tuyến đường kết nối theo kiến nghị trên cần nguồn vốn khoảng 141.514 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nếu có đủ nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện toàn bộ nút giao và đường kết nối sẽ nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay khoảng 174.543 tỷ đồng khó khả thi.

Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của địa phương, Bộ Giao thông Vận tải nhận định cần ưu tiên đầu tư trước các nút giao, tuyến kết nối cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến có nhu cầu vận tải tăng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ cũng đề xuất phân loại đầu tư các nút giao, đường kết nối theo 4 nhóm có mức độ ưu tiên cao, gồm: nhóm các nút giao, đường nối đã được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác; nhóm có nhu cầu cấp thiết đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025; nhóm cần ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong giai đoạn tiếp theo; nhóm các nút giao trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác.

Tháng 8/2023, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương rà soát việc kết nối các tuyến cao tốc. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương nghiên cứu định hướng phát triển khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, cảng hàng không, thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường cao tốc trên địa bàn.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.