Cần sớm huy động nguồn vàng và ngoại tệ trong dân

Đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng mỗi năm Việt Nam phải vay hàng tỉ USD ngoại tệ, vừa trả gốc vừa trả lãi, trong khi nguồn vàng và ngoại tệ trong dân còn rất lớn. Ông Chiểu đề xuất cần sớm có giải pháp huy động nguồn vàng và ngoại tệ trong dân.

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 30/5, các đại biểu tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2019. Một số đại biểu đã đề cập đến chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ thời gian qua và quan tâm các tiến độ thực hiện dự án công trình trọng điểm của cả nước.

Đề xuất huy động vàng và ngoại tệ trong dân

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng chính sách điều hành tiền tệ của Chính phủ chia làm 2 giai đoạn và có sự khác biệt rõ rệt. 

Theo ông Chiểu, thời gian qua, ở giai đoạn đầu tiên, việc điều hành không tốt khiến lạm phát tăng phi mã, nợ xấu và nợ công cũng tăng đột biến.

Cần sớm huy động nguồn vàng và ngoại tệ trong dân - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quang Chiểu đề xuất huy động vàng và ngoại tệ trong dân. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Theo đại biểu, giai đoạn hiện nay, khi kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển, lạm phát được kiềm chế, một phần đến từ việc điều hành chính sách tiền tệ năng động, linh hoạt và tôn trọng quy luật thị trường của Chính phủ.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được kiềm chế ở mức bình quân 15%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hơn đạt 7%. Các ngân hàng thương mại chủ động giảm chi phí để giảm lãi vay.

Tuy nhiên thời gian tới, để việc thực hiện điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn nữa, Chính phủ cần tập trung vào ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, nhanh chóng tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay. Lãi vay cao sẽ làm cản trở cho giảm giá thành sản phẩm, chi phí xã hội và giảm cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần xem lại việc hạn chế các phương thức giải ngân, hay mỗi người chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức, hoặc không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày.

Thứ ba, đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân. Hiện Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài rất lớn, đi kèm với việc này là vừa phải trả nợ gốc và lãi lên đến 6%.

"Mỗi năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỉ USD để trả nợ trong khi nguồn vàng, ngoại tệ trong dân còn rất lớn", đại biểu Trần Quang Chiểu kiến nghị.

"Bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long có đường cao tốc"

Trong khi đó, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề cơ sở hạ tầng, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Tiền Giang) quan tâm đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất chậm, đến cuối năm 2018 chỉ đạt 75% kế hoạch.

Cần sớm huy động nguồn vàng và ngoại tệ trong dân - Ảnh 2.

Cảnh tượng quen thuộc trước và sau mỗi dịp lễ, Tết trên đường dẫn từ TP HCM về các tỉnh ĐBSCL. (Ảnh: Zing).

Theo bà, đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm mà chưa khắc phục được, chứ không phải mới đây. Đại biểu Thanh Hải cho rằng nếu giải ngân tốt thì kinh tế có thể phát triển hơn một bước nữa.

Bà Hải đề nghị Chính phủ triển khai nhanh các dự án lớn, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và vùng, như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các dự án chống sạt sở, phòng chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng về cơ sở hạ tầng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (tỉnh Hậu Giang) hỏi: "Bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long có đường cao tốc".

Theo bà Thuỷ, từ TP HCM đến Cà Mau trước nay chỉ độc đạo một con đường là quốc lộ 1. Điều này không chỉ gây ùn tắc giao thông vào những đợt cao điểm, mà còn ảnh hưởng tình hình phát triển kinh tế xã hội của khu vực. 

Đại biểu cho rằng các sản phẩm nông nghiệp của khu vực khó có thể cạnh tranh trên thị trường, do chi phí sản xuất cao, nhất là khâu lưu thông, vận chuyển khó khăn. Hệ thống đường sắt, đường thuỷ, đường bộ chưa được quan tâm đúng mức, hoặc chỉ được phân bổ đầu tư một cách nhỏ giọt, nếu không muốn nói là bị bỏ rơi.

Trước những bất cập đó, đại biểu yêu cầu Chính phủ và Quốc hội sớm điều chỉnh những điểm bất hợp lí trong phân bổ ngân sách đầu tư, nhất là đầu tư công ở Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo điều kiện phát triển vùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.


chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.