Một trong những nét cải cách rõ trong hoạt động của Quốc hội là các phiên chất vấn.
Ít nhất là dân được nghe công khai trao qua đổi lại giữa các vị bộ trưởng với các vị đại biểu cao nhất của dân. Ít nhất dân chúng cảm nhận, thậm chí có thể tự chấm điểm từng vị bộ trưởng trong trả lời chất vấn.
Câu hỏi, các vấn đề ĐB nêu rồi tranh luận trở lại đều cho thấy có sự nâng cao thực sự về chất lượng chất vấn. Hầu như không còn những câu hỏi quá chi tiết, quá sự vụ, không ngang tầm quản lý của các bộ trưởng như cách đây nhiều năm.
Sự thẳng thắn, truy đến cùng trách nhiệm của bộ trưởng được thể hiện khá rõ. ĐBQH, cử tri không thể nghe mãi bài ca theo kiểu cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng chịu trách nhiệm.
Với tư cách là bộ trưởng trong hệ thống chịu trách nhiệm đến đâu là phải rõ. Có ĐB phát biểu đến 3-4 lần trong chất vấn một bộ trưởng, chưa thấy rõ, chưa thỏa mãn lại tiếp tục tranh luận.
Các bộ trưởng trong phiên chất vấn |
Năng lực bộ trưởng và kỳ vọng của Thủ tướng
Người dân, doanh nghiệp vẫn nhớ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhận trọng trách người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ.
Muốn hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng giống như vị tổng tư lệnh chỉ huy chung phải dựa vào các tư lệnh trên các mặt trận.
Trả lời chất vấn của các tư lệnh về nông nghiệp, văn hóa, y tế và kế hoạch cho thấy khá rõ khoảng cách giữa năng lực của các vị tư lệnh với mong muốn, kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Quyết tâm, tâm huyết, trách nhiệm của các vị tư lệnh ngành trong trả lời chất vấn là có, nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì quyết định nhất suy đến cùng là năng lực của các vị tư lệnh ngành. Hy vọng vẫn còn đủ thời gian để xóa đi cái khoảng cách này trong mấy năm còn lại của nhiệm kỳ Chính phủ.
Qua chất vấn nhớ lại chuyện xưa. Nghe kể rằng thời xưa, vua giao trọng trách cầm quân chống giặc nơi biên ải cho một vị tướng. Vị tướng này chỉ huy kiểu gì mà thua hoài, không thắng nổi một trận, đành báo cáo khẩn gửi về triều đình.
Trong báo cáo định nêu thực trạng đáng buồn là càng đánh, càng thua. Vị quân sư của ông tướng này can chủ soái và nói đúng là càng đánh, càng thua, nhưng không thể tấu với triều đình như vậy, tấu như vậy là mất chức.
Xin chủ soái đổi lại nêu trong báo cáo là càng thua, càng đánh, thế là không sai so với sự thật, mà lại nhấn được rõ khí thế của quân ta, nhấn được quyết tâm của chủ soái là đánh giặc đến cùng, càng thua, càng phải đánh.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy |
Chuyện xưa vận vào chất vấn nay thấy gì?
Các vị ĐBQH nêu rất trúng nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm bộ trưởng. Các vị tư lệnh ngành đều nhận trách nhiệm. Càng chất vấn, chỉ rõ những khiếm khuyết, những yếu kém của các vị tư lệnh ngành thì các vị càng sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý nhà nước.
Đảo lại theo chuyện xưa có nghĩa là: càng nhận trách nhiệm, càng chất vấn mạnh, càng chất vấn mạnh, càng thấy khuyết điểm, sai phạm, càng nhận trách nhiệm...
Có khuyết điểm thì nhận trách nhiệm. Nhưng nếu cứ vậy có ổn không? Giới hạn trong nhận trách nhiệm là đến đâu? ĐBQH và nhất là người dân đều hy vọng việc nhận trách nhiệm này sau đó ra sao? Không lẽ chốt lại chất vấn là nhận trách nhiệm, còn sau đó thực hiện trách nhiệm đến đâu lại là câu chuyện khác?
Giá như có quy định trong chất vấn mà bộ trưởng trên 3 lần phải thốt lên xin nhận trách nhiệm trước QH thì coi như trách nhiệm quản lý nhà nước của vị bộ trưởng đó là không đạt và ngược không lần nào nhận trách nhiệm thì xếp loại tốt...
Không phải mệnh lệnh hành chính
Lấy vấn đề thừa thịt lợn trong chất vấn để xem xét. Theo Bộ trưởng NN&PTNT, vấn đề thừa thịt lợn có nguyên nhân thứ nhất là trong 10 năm qua tăng trưởng ngành chăn nuôi quá nhanh, tăng trên 3,6 lần từ 3,4 triệu tấn thịt/năm lên 5,6 triệu tấn, sữa đã tăng 800 nghìn tấn cùng với 10 tỷ quả trứng.
Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ chưa tốt.
Nếu vậy thì Bộ NN&PTNT có khi vô can cũng nên. Tra cứu lại có cái gọi là Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến 2020 do Bộ xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
Theo Chiến lược thì chỉ tiêu đến 2020 là 5,6 triệu tấn thịt/năm, trong đó thịt lợn chiếm 63%, 10 tỷ quả trứng, 800 nghìn lít sữa. Như vậy so với kế hoạch dự kiến thì có hoàn thành sớm 3 năm, nhưng phải khẳng định là những con số này đã được dự kiến, đã được lập kế hoạch trên cơ sở đề xuất của Bộ và được Thủ tướng phê duyệt.
Nhắc tới Chiến lược này không chỉ là đề cập tới trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, mà quan trọng hơn là xem lại những cái được quan niệm là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước của các bộ.
Hiện có rất nhiều chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Hầu như ngành, lĩnh vực nào cũng có chiến lược, quy hoạch. Các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trong quy hoạch, kế hoạch sẽ không có ý nghĩa nếu không có các chính sách đi kèm, chính sách hỗ trợ mà những chính sách này phải do bộ xây dựng.
Ngồi vẽ ra quy hoạch này, chiến lược kia chắc không khó lắm, nhưng sẽ khó hơn nhiều lần là xã hội, dân, doanh nghiệp chấp nhận, tuân thủ và góp phần thực hiện quy hoạch, chiến lược ấy như thế nào mà tác động lớn nhất ở đây lại là chính sách thích hợp chứ không phải là mệnh lệnh hành chính.
Các sai sót của Cục Nghệ thuật biểu diễn, của Tổng cục Du lịch mà Bộ trưởng VH-TT-DL nhận trách nhiệm cho thấy rõ tư duy quản lý nhà nước thời bao cấp đang hồi sinh mãnh liệt: quản lý bằng cấp phép nhiều, bằng cấm đoán, bằng can thiệp vô lối.
Chủ tịch Quốc hội ‘chấm điểm’ 4 bộ trưởng
Chủ tịch QH nhận xét Bộ trưởng NN&PTNT trả lời ngắn gọn, Bộ trưởng Y tế nắm chắc vấn đề... |