Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) nhằm đảm bảo cuộc sống cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp (KCN) là một trong những vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi đóng góp vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, việc xây dựng nhà ở theo hướng ưu tiên, bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong KCN là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Tại Khoản 9 Điều 3 dự thảo xác định nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi KCN theo quy định của pháp luật về quản lý KCN, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại KCN đó.
Bà Thanh cho rằng, việc quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong KCN như dự án Luật trình là không phù hợp, không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học và loại hình này không thể coi là nhà ở công nhân. Về nguyên tắc NOXH hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải được xây dựng trên đất ở, công trình trên đất dịch vụ KCN không thể coi là nhà ở.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 xác định lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Như vậy, việc lưu trú có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với ở.
Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân và tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo quyền lợi của công nhân trong KCN theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Cùng quan điểm với đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong KCN như tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là chưa đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học. Về nguyên tắc, NOXH hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải xây dựng trên đất ở, còn công trình trên đất dịch vụ nằm trong KCN không thể coi là nhà ở.
Đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về lĩnh vực này, nhất là phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng.
Trước những ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với NOXH bán cho các đối tượng khác (như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như NOXH).
Còn nhà lưu trú công nhân theo dự án Luật là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi KCN theo quy định của pháp luật về quản lý khu KCN, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại KCN đó.
Bên cạnh đó, việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ KCN giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn (do đồng bộ với khu công nghiệp); chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm (do giảm được chi phí hạ tầng); thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo về môi trường sinh hoạt cũng như không gian phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau.
Liên quan đến nhiều nội dung khác của NOXH và phát triển NOXH, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu nhiều ý kiến của các vị ĐBQH như trong Báo cáo số 119 ngày 16/6/2023, đồng thời sẽ nghiên cứu thể hiện khái niệm nội hàm cho rõ hơn trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.