Tại phiên thảo luận Quốc hộ ngày 10/1 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự), nhiều đại biểu đã có ý kiến liên quan đến công tác giải phóng mặt tại các dự án đầu tư.
Theo các đại biểu, thực tiễn cho thấy công tác giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nếu không có mặt bằng sạch, việc giải phóng mặt bằng chậm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch vốn đầu tư công... Từ đó phát sinh các yếu tố tăng chi phí bồi thường, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng dự án.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công thì dự án giải phóng mặt bằng chỉ được tách riêng khi là dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Vì vậy, các đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm dự án nhóm B và C được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập ngay trong lần sửa đổi luật này.
"Thực tiễn, không ít địa phương có nhiều dự án thuộc nhóm B, nhóm C nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phức tạp.
Việc tách riêng bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Khi phân bổ vốn sẽ triển khai thực hiện được ngay vì có sẵn đất sạch. Như vậy việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, có những dự án đặc thù phải thực hiện giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch theo yêu cầu của Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nên phải thực hiện dự án giải phóng mặt bằng riêng lẻ. Có như vậy địa phương sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh giải ngân tiến độ đầu tư công", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, tỉnh Long An phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Cường, TP Hà Nội nhấn mạnh, việc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư đang rất vướng mắc. Do đó cần thiết phải tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư chung sau khi có quyết định chủ trương đầu tư:
"Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ không sợ người ta dùng việc này để lách luật, trốn cấp thẩm quyền phê duyệt và chúng ta sẽ tăng được rất nhiều những lợi ích. Đơn cử như đánh giá chi phí cho quá trình xây dựng thực sự là không bị lẩn vào "bóng" chi phí giải phóng mặt bằng. Do vậy, tôi đề nghị là cần thiết phải sớm tách dự án này ra trong điều chỉnh luật lần này".
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông lấy ví dụ, với điều kiện đặc thù như tỉnh Đắk Nông và một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì việc đầu tư các dự án chủ yếu là những dự án nhóm B, C. Tiến độ thực hiện dự án trì trệ, kéo dài sẽ gây lãng phí quỹ đất trong một thời gian nhất định. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các dự án thuộc nhóm B, C vào đối tượng đầu tư công.
Ngoài ra, các đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn), Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) và Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng là dự án nhóm B và C được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Trước đó, tại Nghị quyết 141/NQ-CP ngày 14/11/2021 về phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với nội dung trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Chính Phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.