Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP HCM thuộc UBND TP vừa có đánh giá đồng ý với đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (quận 3, TP HCM).
Hiện nay, đường Võ Thị Sáu chỉ lưu thông một chiều từ Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay ngã sáu Dân Chủ. Đường Điện Biên Phủ có thể chia làm hai đoạn theo cách tổ chức giao thông: Lưu thông hai chiều (từ cầu Sài Gòn đến Đinh Tiên Hoàng) và lưu thông một chiều (từ Đinh Tiên Hoàng về vòng xoay ngã bảy Lý Thái Tổ). Đây là con đường quan trọng nối khu vực phía Đông Sài Gòn (quận 2, quận 9, Thủ Đức) vào trung tâm thành phố (quận 1, quận 3) nên lưu lượng giao thông rất lớn.
Có thể thấy, đườmg Điện Biên Phủ đoạn lưu thông hai chiều rất rộng rãi với 12 làn xe nên ít khi xảy ra ùn tắc trong khi đoạn một chiều thì mặt đường có 4 làn xe, thường bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 bắt ngang qua đường Điện Biên Phủ tại khu vực gần cầu Sài Gòn.
Theo cơ quan chức năng, việc ưu tiên cho xe buýt nhằm rút ngắn thời gian hành trình để khách đi học, làm việc đúng giờ, thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng của người dân. Tuy nhiên theo ghi nhận, đường Điện Biên Phủ đoạn một chiều có mật độ xe đông, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt vào giờ cao điểm.
Điều này khiến việc ra vào bến để đón, trả khách của xe buýt gặp nhiều khó khăn khi phải cắt ngang dòng xe máy để vào trạm.
Đặc biệt, tuyến đường này có rất nhiều ngã ba, tư với đèn giao thông được đặt, khiến những phương tiện lưu thông phải liên tục dừng chờ. Tổ chức các tuyến đường khu vực này giống như bàn cờ, cứ cách vài trăm mét là gặp ngã tư và đèn đỏ. Từ ngã bảy Lý Thái Tổ đến Đinh Tiên Hoàng chỉ hơn 4 km nhưng đã có hơn 20 ngã ba - ngã tư lớn có đèn giao thông
Tại các ngã tư xe cộ di chuyển lộn xộn. "Vừa qua được đèn đỏ chỗ này, chạy lên được 200 - 300 mét lại dừng đèn đỏ tiếp. Chạy dừng, chạy dừng liên tục nhiều lúc phát bực", anh Quang Tuấn kể lúc đi làm về qua đường Điện Biên Phủ.
Các phương tiện nối đuôi nhau khi dừng đèn đỏ, gây ách tắc cho tuyến đường. Ngoài việc ùn tắc gây khó khăn khi ra vào trạm, xe buýt lưu thông trên đường Điện Biên Phủ cũng bị ảnh hưởng nhiều, liên tục phải dừng chờ vì đèn giao thông tại các điểm giao cắt
Kẹt xe kéo dài, khiến nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi di chuyển. "Những con đường kiểu bàn cơ như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần... là nỗi ám ảnh mang tên 'đèn đỏ' mỗi chiều đi làm về vì chạy như cà giựt", nhiều người ngao ngán.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu có làn đường riêng thì xe buýt có thể đi nhanh hơn. Qua đó, tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân, giảm ùn tắc.
Theo kiến trúc sư, trong giai đoạn đầu khi làn cho xe buýt chưa sử dụng hết công suất, có thể cho phép ôtô chở 3, 4 người đi vào làn này. Như vậy, sẽ khuyến khích không sử dụng ôtô chỉ chở một người.
Qua đó, các chuyên gia cho rằng, việc làm đường riêng cho xe buýt cần được triển khai đồng bộ. "Nếu làm đường riêng cho xe buýt trên Điện Biên Phủ, chắc chắn người đi xe máy sẽ bị ảnh hưởng vì xe đã đông lại bị bó hẹp. Nhưng nếu phát huy tác dụng, xe buýt được đi thông thoáng và đúng giờ hơn thì tôi cũng có thể suy nghĩ lại việc chọn phương tiện này", chị Tâm Lan - nhân viên văn phòng tại quận 3 nói.
Hiện, Trung tâm Quản lí giao thông công cộng TP tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở Hội cầu đường cảng TP HCM thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kĩ thuật để hoàn chỉnh đề án trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện.