Đề xuất làn đường riêng cho xe buýt ở Sài Gòn: Cần cho ôtô chở hơn 3 người lưu thông cùng

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi làn đường dành cho xe buýt chưa sử dụng hết công suất, nên cho phép ôtô chở 3, 4 người cùng đi vào. Qua đó, khuyến khích người dân không sử dụng ôtô chỉ chở một người, giảm thiểu ùn tắc giao thông.

"Kẹt xe là do người dân lựa chọn"

Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP HCM thuộc UBND TP vừa có đánh giá đồng ý với đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (quận 3, TP HCM)

Đồng tình với đề án này, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố (TP) chỉ nên tập trung vào ưu tiên phát triển phương tiện công cộng. Nếu có làn đường riêng thì xe buýt có thể đi nhanh hơn. 

20151231_174700

Các chuyên gia đồng tình với việc thí điểm làn đường riêng dành cho xe buýt. (Ảnh T.N).

"Một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân thì không có phương tiện cá nhân nào chịu nỗi hết, bao gồm cả ôtô lẫn xe máy. Nhưng cần điều phối, tránh để làn xe công cộng không ai đi, mà làn xe cá nhân lại bị kẹt, như vậy sẽ không hiệu quả", ông Sơn đánh giá.

Theo kiến trúc sư, trong giai đoạn đầu, khi làn cho xe buýt chưa sử dụng hết công suất, có thể cho phép ôtô chở 3, 4 người đi vào làn này. Như vậy, sẽ khuyến khích không sử dụng ôtô chỉ chở một người.

"Ở nước ngoài người ta vẫn cho phép như thế, và phạt rất nặng những ôtô chỉ chở 1, 2 người đi vào làn đường cho xe buýt. Có thể phải đi học luật 2, 3 tuần, đóng phạt mấy ngàn USD và rút bằng 3-6 tháng", ông Sơn nêu.

Chỉ ra hai tuyến đường này là hai thí điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn mong rằng về sau TP sẽ triển khai thêm nhiều tuyến tương tự. "Tôi nghĩ Sở Giao Thông Vận tải đã có kế hoạch tổng thể", ông nói.

Theo ông Sơn, phải nghiên cứu những tuyến xe buýt mà người dân có nhu cầu đi lại lớn nhất để làm tuyến đường riêng. Khi thực hiện việc này, sẽ thu hút được nhiều người dân sử dụng, mặt khác giúp cho những người thường xuyên bị kẹt xe thấy rằng, nếu chuyển sang xe buýt sẽ tiện lợi và rẻ tiền hơn cho họ.

20151231_181545

Trong giờ cao điểm, xe buýt rất khó di chuyển giữa "rừng" xe máy. (Ảnh: T.N)

Bên cạnh đó, kiến trúc sư chỉ ra rằng, tình trạng kẹt xe hiện nay do người dân lựa chọn, không phải không có giải pháp. Bởi họ có thể chọn xe công cộng thay cho phương tiện cá nhân. 

"Quan trọng nhất là thành phố phải có kế hoạch lâu dài, thuận tiện cho người dân đi lại, đặc biệt là khu vực nội thành. Nếu đảm bảo hệ thống giao thông công cộng, người dân vẫn đi phương tiện cá nhân thì kẹt xe không còn là vấn đề, mà là lựa chọn của người dân", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông còn chỉ ra, ở thành phố New York (Mỹ), vào giờ cao điểm cũng rất kẹt xe, nhưng đa số người dân tại đây, lẫn các triệu phú vẫn đi xe buýt.

"Tách xe buýt, phải tách được xe gắn máy"

Về phần mình, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM Võ Kim Cương cho rằng, chủ trương dành đường cho xe buýt đã có từ lâu, TP nên có kế hoạch chung về việc phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. 

buýt

Chuyên gia cho rằng cũng nên có làn đường dành riêng cho xe máy. (Ảnh: Bách Hợp).

"Có đường ưu tiên cho xe buýt thì phải có những tuyến đường khác ưu tiên cho xe máy. Nếu không, những phương tiện khác không có đường đi, hoặc kẹt dồn, gây ùn tắc. Ở quận 3 thường ùn tắc ở các tuyến đường Nguyễn Đình Chiều, Võ Văn Tần, Nam Kì Khởi Nghĩa… phải nghiên cứu tìm cách tách được xe buýt và xe gắn máy ra. Cũng như ôtô nếu không vào được đường dành cho xe buýt thì sẽ nối đuôi nhau nhiều hơn, gây ùn tắc thường xuyên mỗi khi ngừng đèn đỏ", ông Cương nêu quan điểm.

Qua đó, các chuyên gia cho rằng, việc làm đường riêng cho xe buýt cần được triển khai đồng bộ. Người dân cần có cái nhìn tổng thể, không nên căn cứ vào một, hai tuyến mà vội vàng đánh giá.

Hiện, Trung tâm Quản lí giao thông công cộng TP tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở Hội cầu đường cảng TP HCM thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kĩ thuật để hoàn chỉnh đề án trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.