Chiều ngày 25/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức Công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Công nghệ thông tin.
Đây sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Khải Tuấn).
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, được xây dựng trên mô hình hợp tác điển hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Qua đó, Viettel đã phối hợp, cung cấp giải pháp công nghệ nền tảng, các chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp địa phương xây dựng quy trình, phối hợp triển khai nghiệp vụ thực tiễn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau hơn 6 tháng vận hành, tuy thời gian vận hành chính thức chưa nhiều, nhưng bước đầu Trung tâm đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.
Tiêu biểu nhất là chức năng phản ánh hiện trường được triển khai ban đầu gắn với hoạt động Ngày Chủ nhật xanh, đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả cộng đồng.
Đến nay, Trung tâm đã triển khai đồng thời hơn 9 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lí nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lí, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lí, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.
Hiện tại, đã có 85 đầu mối cơ quan xử lí những phản ánh trực tuyến của người dân thông quan Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, gồm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện, 100% phường thuộc thành phố Huế. Bên cạnh đó, một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp quan trọng UBND tỉnh.
Với cách làm đó, giải pháp phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận tin vui được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
"Hôm này, UBND tỉnh công bố dịch vụ đô thị thông minh với mục đích khẳng định đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền nhân dân Thừa Thiên Huế hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn. Đây như là một trong những sản phẩm quyết tâm tạo ra sự "khác biệt, đột phá" của tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển", ông Thọ phát biểu.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel (đơn vị triển khai giải pháp) nhấn mạnh: "Mô hình triển khai ở Thừa Thiên Huế đã được ứng dụng những công nghệ hiện đại 4.0 để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, Viettel cũng sẽ áp dụng tối đa các nền tảng công nghệ số với mục tiêu cung cấp hệ thống này đảm bảo liên thông, không trùng lặp, có khả năng mở rộng và an toàn thông tin".
Theo dự kiến, hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục được Viettel mở rộng và hoàn thành vào năm 2020.
Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, bao gồm: Phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
Trong đó, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường.
Những phản ánh này được trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lí. Quá trình tiếp nhận, xử lí và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng.
Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera cũng tác động tích cực đến thay đổi xã hội địa bàn tỉnh. Hệ thống camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển dữ liệu về trung tâm. Tại đây, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm. Trung tâm kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lí.