Mới đây, một kênh YouTube tại Nga với gần 40.000 lượt theo dõi đã đăng tải đoạn video quảng cáo về sản phẩm "quốc dân" Cao Sao Vàng của Việt Nam. Đoạn quảng cáo đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, thu hút được gần 70.000 lượt xem chỉ sau 4 ngày đăng tải.
Năm ngoái, người Việt cũng xôn xao trước thông tin một hộp Cao Sao Vàng đang được rao bán trên Amazon với giá 8,99 USD, tức khoảng hơn 200 nghìn đồng/hộp. Được xếp loại tốt, loại dược phẩm đến từ Việt Nam này thường cháy hàng mỗi khi mở bán trên trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
"Cao Sao Vàng đã được sử dụng ở Việt Nam cả thế kỉ. Nó chứa một loại tinh dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam, kích thước nhỏ dễ mang theo bên mình. Có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng, đau nhức cơ cổ, lưng,..." là những dòng giới thiệu về Cao Sao Vàng trên Amazon.
Nổi tiếng cả trong và ngoài nước, nhưng ít ai biết được câu chuyện về doanh nghiệp đứng đằng sau hồi sinh sản phẩm trứ danh này - CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3).
Quảng cáo Cao Sao Vàng tại Nga. (Video: Громкие рыбы).
Xuất hiện từ những năm 80 và trở thành vật bất li thân của bất kì người Việt Nam nào vào những thập niên 90 của thế kỉ trước, một chiếc hộp nhôm nhỏ hình tròn, có ngôi sao ở chính giữa cùng màu đỏ bao phủ toàn thân hộp, được gọi với cái tên thân thuộc - Cao Sao Vàng, đã trở thành "thần dược" với thế hệ người Việt khi ấy.
Những hộp Cao Sao Vàng đầu tiên được thương mại hoá vào năm 1969, do Xí nghiệp ược phẩm Trung ương 3, nay là CTCP Dược phẩm trung ương 3 sản xuất.
Sản phẩm được dùng ngoài da, chuyên trị đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, xổ mũi, say tàu xe,... Rất nhanh sau đó, Cao Sao Vàng đã theo chân những du học sinh người Việt sang các nước Liên Xô học tập, rèn luyện và trở thành một món quá tặng đến từ Việt Nam.
Sau khi đất nước được thống nhất, Việt Nam và Liên Xô đã đẩy mạnh giao thương hàng hoá. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Liên Xô thời bấy giờ, đã từng mang về hơn 2 triệu USD cho Việt Nam.
Nhà nước giao cho 5 xí nghiệp dược chịu trách nhiệm sản xuất. Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm tủng bình từ 10-15 triệu hộp. Đỉnh cao là năm 1983 với tổng sản lượng đạt 100 triệu hộp. Thấp nhất là năm 1986, khi Liên Xô và Đông Âu tan ra, chỉ sản xuất được vỏn vẹn 4 triệu hộp.
Sau khi việc xuất khẩu sang Liên Xô kết thúc, Cao Sao Vàng đối mặt với một thời kì khó khăn khi sản lượng sụt giảm, sự cạnh tranh gay gắt đến từ các loại dược phẩm nước ngoài. Cho đến đầu thế kỉ này, Cao Sao Vàng dần vắng bóng, nhường chỗ cho những sản phẩm khác, hiệu quả hơn từ nước ngoài ồ ạt đổ vào.
Những tưởng, Cao Sao Vàng đã biến mất trên thị trường, thì đến những năm trở lại đây, công ty chủ quản của sản phẩm này là DP3 đã "hồi sinh" sản phẩm này, nhưng ở một nơi khác - đó là thị trường nước ngoài.
Vẫn là những hộp nhôm nhỏ màu đỏ, có ngôi sao vàng trên nắp, chỉ khác dòng chữ tiếng Việt nay được thay thế bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Hiện Cao Sao Vàng đã có mặt tại 15 quốc gia và là mặt hàng bán chạy trên Amazon và eBay.
Trên eBay, mỗi hộp Cao Sao Vàng có giá 9.99 USD, tức khoảng 231.000 đồng, một hộp loại 4gram, gấp 25 lần so với sản phẩm bán tại Việt Nam, giá hiện tại 9.000 đồng. Còn tại Amazon, sản phẩm có giá 8.99 USD, tức 208.000 đồng.
Cao Sao Vàng đã hồi sinh ở thị trường nước ngoài, nhưng tại thị trường trong nước nó lại bị hụt hơi trước những sản phẩm tương tự đến từ các thương hiệu của Thái Lan, Singapore hay Trung Quốc.
Do đó, hàng năm Cao Sao Vàng đóng góp một tỉ trọng rất khiêm tốn trong tổng doanh thu của DP3.
Trao đổi với báo giới năm 2017, ông Bùi Xuân Hưởng - Chủ tịch HĐQT Dược phẩm DP3 khi ấy nói rằng, sản phẩm Cao Sao Vàng mỗi năm chỉ đóng góp từ 5-7% tổng doanh thu công ty.
Căn cứ theo báo cáo của Dược phẩm DP3 giai đoạn 2016-2019, thì con số này rơi vào khoảng xấp xỉ 20-30 tỉ đồng mỗi năm.
Theo số liệu từ Vietnam Report JSC, cái tên Cao Sao Vàng cũng hoàn toàn mất hút trong danh sách cơ cấu doanh thu các sản phẩm "đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp.
Theo đó, hiện Sâm nhung bổ thận TW3 là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, đóng góp gần 30% tổng doanh thu. Các sản phẩm thuốc viên khác là tetracylin (11%), clorocid (8%), trong khi thuốc hoàn chiếm khoảng 10%...
Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của sản phẩm từng vang bóng một thời, kể từ khi được cổ phần hoá từ năm 2015, đến nay DP3 "ăn nên làm ra", ghi nhận mức tăng trưởng luôn dương, và liên tục tăng mạnh qua các năm.
Năm 2016, ngay sau khi cổ phần hoá DP3 báo lãi sau thuế đạt 22 tỉ đồng. Đến năm 2019, lợi nhuận của DP3 gần 83 tỉ đồng, tức tăng gần 300% so với năm 2016. Doanh thu doanh nghiệp cũng liên tiếp tăng cao, với mức 236 tỉ đồng năm 2016 và gần gấp đôi lên 410 tỉ đồng năm 2019.
Tính đến cuối năm 2019, công ty có tổng tài sản hơn 369 tỉ đồng, tăng 53,75% so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng 22,83%, ghi nhận hơn 54,5 tỉ đồng.
Ngày nay, Dược phẩm DP3 tập trung sản xuất các sản phẩm Đông dược, có nguồn nguyên liệu tự nhiên. Đây là một số ít các doanh nghiệp dược Việt Nam có thể tự chủ tới 90% việc sản xuất thuốc, theo đánh giá từ Vietnam Report JSC.
Dược phẩm DP3 tập trung phân phối sản phẩm thông qua kênh OTC tại các chi nhánh và các công ty phân phối dược phẩm lớn.
Doanh nghiệp hiện có 3 chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM. Ngoài ra, đơn vị còn sở hữu trên 10 nhà phân phối độc quyền, hơn 150 quầy thuốc và hơn 20 nhà phân phối dược phẩm bao tiêu sản phẩm ra ngoài thị trường.
Thị trường của DP3 tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm đến 91% tỉ trọng doanh thu và thị trường miền Nam chiếm 9% còn lại.
Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 6, Dược phẩm DP3 thông báo sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ lên tới 70%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 7.000 đồng, trong khi kế hoạch đưa ra trước đó là tối thiểu 30%.
Đây không phải là lần đầu tiên DP3 trả cổ tức cao. Trước đó, mức cổ tức năm 2018 của doanh nghiệp cũng tăng đột biến, lên tới 80% bằng tiền mặt, gấp đôi năm 2017, tỉ lệ 40% và tăng mạnh so với những năm trước, năm 2016 là 20%, năm 2015 là 16%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DP3 cũng đã có mức tăng giá gấp 5 lần so với thời điểm công ty đưa cổ phiếu lên sàn hồi tháng 7/2015.