Cao Sao Vàng - 'thương hiệu quốc dân' một thời hiện ra sao?

Cao Sao Vàng từng được mệnh danh là "thương hiệu quốc dân", bên cạnh những cái tên diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình, phích Rạng Đông. Tuy nhiên, trước nguy cơ "bị quên lãng", sản phẩm này buộc phải trở mình tìm đường sống.

Vào những năm 60-70 của thế kỉ trước, trên đầu giường hay tủ thuốc mỗi nhà không thể thiếu hộp cao Sao Vàng, hay còn gọi là dầu cù là. Thời kì đó, đau ốm không dễ mua thuốc nên hộp cao Sao Vàng chỉ khoảng 3 gr được dùng như một "thần dược" chữa bách bệnh, đau đâu bôi đó.

"Cha đẻ" của Cao Sao Vàng

Có lẽ với người Việt, ai trong đời cũng ít nhất một lần dùng “dầu cù là” cao Sao Vàng. Nhưng, ít người biết rằng cha đẻ của thứ dầu cao “thần thánh” đó chính là lương y Phó Đức Thành, một gương mặt đặc sắc của đô thị Vinh nửa đầu thế kỉ XX.

Theo thông tin từ báo Nghệ An, vào những năm 1930, ông Phó Đức Thành đã nghiên cứu được nhiều bài thuốc và bào chế được một số thuốc tốt từ thảo dược Việt Nam. Trong đó nổi bật có “dầu cù là” Vĩnh Hưng Tường, mang tên “Vạn Ứng”. 

Lúc đầu Vạn Ứng chỉ là một loại dầu xoa dạng nước, sau đó được chế thêm loại cao đặc và đa dạng hóa sản phẩm theo từng mùa. Sau này, khi đã ra công tác ở Bộ Y tế, ông Thành chuyển giao công thức chế biến dầu Vạn Ứng cho Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 2. 

Cao Sao Vàng: Một thời đại đã qua, chỉ còn để lại một 'tiếng vang' - Ảnh 1.

Quảng cáo dầu Vạn Ứng đặc, tiền thân của cao Sao vàng, trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn số ra ngày 10/8/1934. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Sau đó, mặt hàng dược phẩm này được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (Hải Phòng), nghiên cứu và sản xuất. Sau quá trình dài đầu tư hoàn thiện về chất lượng, từ năm 1969, sản phẩm cao xoa có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường.

Cao Sao Vàng có thành phần gồm long não, sáp ong và các loại tinh dầu quí của Việt Nam, như bạc hà, quế, tràm, hương nhu. Tác dụng nổi bật của loại cao này là chống cảm, chuyên trị đau bụng, nhức đầu, sổ mũi, say tàu, xe... dùng ngoài da cho người lớn và cả trẻ nhỏ. 

Hành trình trở thành một "huyền thoại"

Từ khi ra mắt trên thị trường, cao Sao Vàng được mệnh danh là "thương hiệu quốc dân", bên cạnh những cái tên diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình, phích Rạng Đông. Hộp dầu xoa nhỏ bằng đồng xu có giá vài hào lúc đó, nhưng sớm trở thành vật phòng thân của nhiều người những khi trái gió, trở trời.

Theo báo Thanh Niên, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Tổng Công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Đỉnh cao vào năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp, trong khi trung bình khoảng 10 - 15 triệu hộp.

Ông Bùi Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cho biết trong bài phỏng vấn với báo Thanh Niên rằng Cao Sao Vàng thuộc sở hữu của Tổng công ty xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương). Đây là đơn vị được quyền xuất khẩu các mặt hàng đi các nước sớm nhất trong ngành ngoại thương nước ta, có năm kim ngạch xuất nhập khẩu lên 800 - 900 triệu USD.

Cao Sao Vàng - thương hiệu vang bóng một thời. (Ảnh minh họa).

Cao Sao Vàng - thương hiệu vang bóng một thời. (Ảnh minh họa).

"Thời đó, sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu để thu ngoại tệ, thị trường nội địa rất ít có sản phẩm này. Chúng tôi là nhân viên công ty nhưng chỉ được sở hữu cao Sao Vàng khi công ty tặng vào những dịp lễ tết vài hộp", ông Hưởng cho biết thêm. 

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể. Đồng thời, xu hướng dầu mới xuất hiện, thị phần của dầu cù là bị thu hẹp dần. Các loại dầu ngoại như dầu xanh của Singapore, dầu con hổ của Trung Quốc, dầu khuynh diệp, dầu gió Nhị Thiên Đường... được nhiều người ưa chuộng hơn.

Cao Sao Vàng mất dần thị phần, buộc phải dần thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng. Đến nay, thương hiệu cao Sao Vàng gần như vắng bóng trong thị trường nội địa. 

Liệu có còn là "vang bóng một thời"?

Một hộp Cao Sao Vàng thương hiệu Việt Nam có giá chỉ khoảng 5.000 đồng, nhưng cũng không đủ để khiến người tiêu dùng trong nước sử dụng và ưa chuộng. 

Trước nguy cơ "bị quên lãng" nơi nội địa, Cao Sao Vàng buộc phải trở mình tìm đường sống tại thị phần nước ngoài. Từ năm 2013 tới nay, thương hiệu này lấn sân thị trường quốc tế với cái tên "Golden Star Balm". 

Theo báo Đầu tư, số lượng bán ra của sản phẩm luôn trong tình trạng "sắp hết" hoặc "cháy hàng" ở các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc... Thậm chí, nhiều cửa hàng online còn đặc biệt ấn mạnh ba chữ "Only from Vietnam" (chỉ có ở Việt Nam).

Những ngày gần đây, một kênh youtube tại Nga đã đăng tải video dàn dựng và đầu tư công phu, với sự xuất hiện nhiều lần của lọ cao Sao Vàng Việt Nam, đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người Việt. 

Sản phẩm cao Sao Vàng lên sóng trên một kênh YouTube của Nga. (Ảnh: Chụp màn hình).

Sản phẩm cao Sao Vàng lên sóng trên một kênh YouTube của Nga. (Ảnh: Chụp màn hình).

Video phát hành vào tháng 7/2020 có tên (tạm dịch sang tiếng Việt) là “Thuốc mỡ “Sao Vàng” - phương thuốc điều trị mát lành”, được giới thiệu như một video quảng cáo cho cao Sao Vàng nhằm gợi nhớ lại một thương hiệu kỉ niệm, từng gắn bó với giới trẻ nước Nga một thời.

Hiện nay, sàn thương mại điện tử Amazon vẫn có bán sản phẩm trên với giá từ 8,99 USD (~ 200.000 đồng) tùy cửa hàng. “Cao Sao Vàng đã được dùng ở Việt Nam cả thế kỉ. Nó có chứa một loại dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam, kích cỡ nhỏ nên dễ mang đi mang lại, có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng và đau nhức cơ cổ, lưng…”, là những dòng giới thiệu về sản phẩm trên Amazon. 

Với lời giới thiệu này và chỉ cần mức giá khá rẻ để sở hữu “thần dược”, người tiêu dùng phương Tây sẵn sàng móc hầu bao để trải nghiệm. Đó có thể là lí do Cao Sao Vàng luôn cháy hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Còn tại Việt Nam, một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada hay Shopee cũng kinh doanh sản phẩm này. Ngoài ra, nhiều điểm bán hàng lưu niệm trong nước cũng đưa cao Sao Vàng trở lại trên kệ. Sự trở lại gần đây này cũng cho thấy được hiệu ứng của thương hiệu vàng son một thời.

Trong khi đó, Công ty Dược phẩm Trung ương 3 - doanh nghiệp sản xuất cao Sao Vàng cũng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây, nhờ những nỗ lực đẩy mạnh công tác bán hàng, quảng cáo mở rộng thị trường, đa dạng các mặt hàng.

Thông tin từ báo Pháp luật và Xã hội, nếu như năm 2015, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16 tỉ đồng thì sang năm 2016, con số này tăng lên 22,5 tỉ đồng.

Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt, đạt 80 tỉ đồng, tăng 41 tỉ đồng (208,85%) so với năm 2017. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2019, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên 83 tỉ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp còn có 98 tỉ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 14 tỉ đồng quĩ đầu tư phát triển.

Trong báo cáo quí I/2020, Dược phẩm Trung ương 3 có doanh thu tăng hơn 5% lên mức 115 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 23 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.