Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), có 6/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đang trong tình trạng tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đang khai thác nhỏ hơn nhu cầu sử dụng của dự án.
Các dự án gồm: Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đang khai thác tại các sự án này thiếu hụt từ 0,61 triệu m3 đến 4,9 triệu m3.
Trong đó, dự án Mai Sơn - QL45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4,8 triệu m3); dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3), dự án Phan Thiết - Dầu Giây 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch, tuy nhiên chưa được địa phương cấp phép khai thác.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nhận định, trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp.
Cụ thể, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cần 3,2 triệu m3 đất đắp, trong khi lượng đất đắp tận dụng được chỉ khoảng 1,2 triệu m3. Nếu đến tháng 4/2021 không có nguồn bù vào, việc thi công sẽ phải dừng lại.
Dự án Cam Lộ - La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đoạn đường đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế cần 2,2 triệu m3 đất đắp, nhưng các mỏ vật liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn thiếu 1 triệu m3. Còn lại, đoạn qua tỉnh Quảng Trị thiếu khoảng 100.000 m3 đất đắp cho gói thầu XL - 02.
Không chỉ đất đắp, cát phục vụ thi công cao tốc cũng đang bị các chủ mỏ đẩy giá. Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho biết, giá cát được tính trong dự toán khoảng 170.000 - 190.000 đồng/m3, nhưng bây giờ nhà thầu đang phải mua tại bãi là 270.000 đồng/m3, chưa kể phí vận chuyển. Dù mua với giá cao nhưng lượng cát mua được cũng khan hiếm.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp phục vụ thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc và đề nghị các địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được, cấp phép khai thác (các mỏ đã có trong quy hoạch), nâng công suất khai thác mỏ...
Ngày 11/3, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề mỏ vật liệu cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45; gửi UBND tỉnh Quảng Trị tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn để hoàn thành dự án trong năm 2021 theo kế hoạch.