Di dời hạ tầng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 9/3, tại Ninh Thuận, Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh về triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực cũng như giải pháp mà UBND tỉnh đã thực hiện; đặc biệt là việc tỉnh đã chủ động rà soát, xem xét các yếu tố có liên quan và quyết định hỗ trợ chi phí cho người dân để giải phóng mặt bằng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng mong muốn, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm, tập trung giải quyết các vấn đề có liên quan đến dự án, nhất là vấn đề tái định cư cần phải hoàn thành 100% trong tháng 3 này để người dân an tâm đến ở.

Về giải ngân nguồn vốn còn lại, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo nhà đầu tư giải quyết trong năm nay để đền bù kịp thời cho người dân.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương tập trung giải quyết nhanh chóng việc di dời hạ tầng, tạo thuận lợi cho dự án thi công.

Đối với nút giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với đường 709, Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận và trong quý III/2021 này sẽ tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư để ký kết hợp đồng thực hiện dự án này, phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm 2023. Qua đó, giúp cho tỉnh phát triển, kết nối giao thông kể cả với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Vinh, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài khoảng 61,5 km đi qua 5 huyện là Thuận Bắc (4 xã), Thuận Nam (2 xã), Ninh Phước (4 xã), Ninh Sơn (1 xã) và Bác Ái (1 xã), với tổng diện tích đất thu hồi hơn 445 ha/1.229 hộ và 33 tổ chức; trong đó, diện tích đất rừng cần chuyển mục đích là hơn 81 ha.

Để thực hiện dự án, có hai huyện là Ninh Sơn và Thuận Nam phải xây dựng khu tái định cư, dự kiến bố trí cho 55 hộ tái định cư tập trung với chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 556 tỷ đồng. Đồng thời, phải di dời 28 công trình hạ tầng kỹ thuật gồm đường dây điện 220V, 22kV, 110kV, 220kV và các tuyến đường ống nước, các đường dây, cáp ngầm thông tin.

Đến thời điểm này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng số hộ 1.224/1.229 hộ (có 5 hộ ở huyện Ninh Sơn chưa phê duyệt) đạt tỷ lệ 99,6%.

Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn cho tỉnh với kinh phí 142.117 triệu đồng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó, tỉnh đã giải ngân 138.963 triệu đồng, đạt tỷ lệ 97,8%.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã chi trả tiền bồi thường cho 1.200/1.229 hộ (còn 29 hộ chưa nhận tiền bồi thường), đạt tỷ lệ 97,6%. Việc thi công xây dựng khu tái định cư cũng đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện các thủ tục có liên quan để tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Hiện các huyện đang triển khai bốc thăm, giao đất cho các hộ dân thuộc diện tái định cư.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 là dự án trọng điểm của quốc gia, mang lại rất nhiều lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, UBND tỉnh đã rất quyết tâm tập trung giải quyết những phần việc có liên quan và đã mang lại tín hiệu rất tích cực.

Cụ thể với dự án này, ngoài những hộ phải bồi thường 100% thì có hộ chỉ bồi thường 30%. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho người dân; đồng thời để dự án triển khai đúng tiến độ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện kiểm tra, rà soát và xem xét nhiều yếu tố có liên quan để tháo gỡ.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 100% chi phí cho một số đối tượng này. Vì lẽ đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hay xây dựng khu tái định cư diễn ra rất thuận lợi. Điều đó thể hiện rõ sự quyết tâm của tỉnh và sự đồng thuận của người dân đối với dự án.

Ông Trần Quốc Nam chia sẻ, UBND tỉnh cũng rất mừng vì được Bộ Giao thông Vận tải quan tâm và luôn cùng với tỉnh giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Nhờ đó, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành được phần việc quan trọng, đó là giải phóng mặt bằng, xây dựng khi tái định cư…

Riêng 29 hộ dân còn lại chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục…, đảm bảo đến ngày 10/4 tới đây giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù cho người dân, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công dự án, Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư trúng thầu tổ chức thi công trước các hào kỹ thuật của tuyến cao tốc để chủ đầu tư giải phóng mặt bằng có thể thi công các hạ tầng kỹ thuật vào hào kỹ thuật kịp thời.

Đồng thời, để có cơ sở kết nối giao thông từ Cảng tổng hợp Cà Ná với cao tốc Bắc - Nam, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, xem xét đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông kết nối cao tốc với đường tỉnh lộ 709 tại Km 113+000 thuộc địa phận huyện Thuận Nam trong giai đoạn 1 của dự án bằng nguồn vốn dư trong tổng thể tuyến cao tốc.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải nên có chỉ đạo các nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện trong tỉnh có tuyến cao tốc đi qua hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương bị hư hỏng do quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị thi công tuyến cao tốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm -Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Ninh Thuận và Bình Thuận do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 13.687 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư hơn 4.370 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án hơn 9.300 tỷ đồng để thi công đoạn đường với chiều tuyến hơn 78 Km, diện tích sử dụng đất hơn 550 ha.

Tại Ninh Thuận, việc đền bù giải phóng mặt bằng đến nay cơ bản được giải quyết; hai khu tái định cư cũng đã hoàn thành công tác xây dựng, đang chuẩn bị giao đất cho các hộ dân; 24/28 công trình hạ tầng kỹ thuật giao cắt với đường cao tốc đã hoàn thành di dời và đền bù.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.