Cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chia thành 11 dự án thành phần. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Ngày 16/8, Bộ GTVT có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị sớm triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh này và có cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình.
Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 gồm 11 dự án thành phần.
Trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ cho biết, đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án (Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), được triển khai theo hình thức PPP.
"Hiện, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; hoàn tất việc bàn giao mặt bằng và chuyển nguồn vốn đến Kho bạc Nhà nước để địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Đồng thời, đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và khẩn trương triển khai công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2019", Bộ GTVT thông tin.
Về cơ chế giám sát và đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình, Bộ cho biết đã rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT trước đây.
Hiện, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 để triển khai đầu tư dự án đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư với 5 nội dung cơ bản.
Thứ nhất là thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ hai, qui định tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.
Thứ ba, quản lí chặt chẽ chất lượng, giá thành xây dựng công trình. Cơ quan nhà nước tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán làm cơ sở để tính toán phương án tài chính, lập hồ sơ mời thầu.
Thứ tư, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, trong đó sẽ quy định chặt chẽ các tiêu chí và có đủ chế tài xử lí khi nhà đầu tư có vi phạm về chất lượng, tiến độ.
Thứ năm, khắc phục bất cập về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Thu phí kín - đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu được kì vọng xóa bất cập BOT. (Ảnh: Di Linh).
"Việc áp dụng hình thức thu phí kín (mức phí tính theo chiều dài quãng đường sử dụng) sẽ đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.
Đồng thời, sẽ áp dụng công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng và có hệ thống giám sát trực tuyến để chống thất thu; thực hiện công khai các số liệu thu phí (mức phí, thời gian thu phí, tổng vốn đầu tư...) để đảm bảo tính minh bạch", Bộ GTVT thông tin.
Ngoài ra, đơn vị này cũng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng.
Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung ngày 20/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết còn khoảng 700km cao tốc đi qua miền Trung, Bộ đã tham mưu Chính phủ cố gắng triển khai trong nhiệm kì tới để có tuyến cao tốc nối thông từ Bắc tới Nam.
Ngoài ra, Bộ cũng chủ trương sẽ hoàn chỉnh một số tuyến trên đường Hồ Chí Minh để tạo thành các trục giao thông dọc.