Cầu sẽ xây bắc qua sông Nhuệ tại làng Ngọc Trục, Đại Mỗ

Cầu Cương Kiên sắp được xây dựng bắc qua sông Nhuệ sẽ là lối đi đầu tiên ở phía Đông Bắc làng Ngọc Trục, cũng là trục giao thông chính theo hướng vào trung tâm Hà Nội đối với ngôi làng này.

Ngôi làng nằm trọn trong Vành đai xanh Hà Nội

Làng Ngọc Trục nằm ven sông Nhuệ và gần đường Tố Hữu, thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngôi làng này có qui hoạch khá đẹp do nằm trọn trong Vành đai xanh Hà Nội mà không thuộc diện phải giải tỏa. 

Khu cư dân hiện tại trong làng Ngọc Trục sẽ được giữ nguyên. Các mảnh đất trống quanh làng hiện nay được qui hoạch là đất cây xanh, đất làm công viên vui chơi giải trí và dịch vụ thể dục thể thao, một phần là đất dành cho giao thông.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 1.

Làng Ngọc Trục nằm giữa những cánh đồng.

Qui hoạch nói trên là lí do mà tứ phía làng Ngọc Trục hiện nay đều là đồng ruộng, không có bất cứ tòa nhà nào được xây dựng dù gần ngay đường Tố Hữu - trục đường thường xuyên ùn tắc với hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên như "nấm sau mưa". 

Tuy nhiên, hệ thống giao thông ở làng Ngọc Trục hiện đang khá hạn hẹp. Cụ thể, ngôi nhà gần nhất thuộc làng Ngọc Trục cách đường Tố Hữu chỉ khoảng 200m theo đường chim bay, nhưng hiện nay chưa có đường nối trực tiếp làng Ngọc Trục với Tố Hữu. 

Muốn ra đường Tố Hữu, người dân làng Ngọc Trục phải đi đường vòng. Cụ thể, họ phải đi theo phố Ngọc Trục, hoặc ngõ 24 Đại Mỗ để ra đường Đại Mỗ ở phía Tây Nam, sau đó rẽ trái một đoạn để ra đường Tố Hữu. Với việc đi vòng này, khoảng cách ra đường Tố Hữu xa tới 1 - 2km.

Ngoài hai đường trên, chỉ còn một lối đi ở phía Tây Bắc, nối làng Ngọc Trục nối với đường Sa Đôi. Tuy nhiên, nếu vào trung tâm Hà Nội, lối đi này là quá xa đối với người dân Ngọc Trục.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 2.

Hai trong ba lối đi vào làng Ngọc Trục (trái) từ đường Đại Mỗ (phải) hiện nay.

Toàn bộ dải đất phía Đông Bắc làng Ngọc Trục hiện nay là đồng ruộng và sông Nhuệ, chưa có bất cứ lối đi nào. Tuy nhiên, theo qui hoạch, trong tương lai đây sẽ là nơi triển khai những dự án giao thông quan trọng.

Đường sẽ mở theo qui hoạch ở làng Ngọc Trục

Theo qui hoạch mới nhất, lối đi ở phía Tây Bắc nói trên sẽ được đóng lại trong tương lai để nhường đất làm công viên, khu vui chơi giải trí, dịch vụ thể dục thể thao. Thay vào đó, sẽ có một đường chạy dọc bờ sông Nhuệ, nối từ đường Sa Đôi - men theo làng Ngọc Trục - tới Tố Hữu (đoạn ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh). Hiện trục đường này chưa có kế hoạch triển khai.

Dọc phía Tây Bắc làng Ngọc Trục sẽ có đường Lê Quang Đạo kéo dài chạy qua. Theo qui hoạch, đường Lê Quang Đạo kéo dài sẽ nối Đại lộ Thăng Long với Vành đai 4. Hiện một đoạn trùng với đường nội khu thuộc khu đô thị Dương Nội đã hoàn thành. Các đoạn còn lại chưa có thông tin về kế hoạch triển khai. 

Đường thứ ba và cũng là đường sắp được mở theo qui hoạch ở làng Ngọc Trục, đó chính là đường nối làng này với phố Cương Kiên. Đường này đã được đưa vào danh sách đầu tư công trung hạn của Hà Nội với tên gọi là dự án cầu Cương Kiên. 

Cầu Cương Kiên sẽ phá vỡ thế "đường cùng" ở phía Đông Bắc làng Ngọc Trục

Dự án cầu Cương Kiên bao gồm phần cầu bắc qua sông Nhuệ có chiều dài 70,3 m, rộng 30m, cùng với đó là hệ thống đường đầu cầu dài 71,1 m, rộng 30 m. Tổng số vốn đầu tư là 175,8 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng chất lượng giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án này đã có quyết định đầu tư từ tháng 10/2019. Thời gian thực hiện dự kiến là giai đoạn 2019 - 2022.

Khi dự án hoán thành, cầu Cương Kiên sẽ giúp người dân làng Ngọc Trục đi thẳng tới nút giao Đại lộ Thăng Long với cầu vượt Mễ Trì (dự án Vinhomes Greenbay). Người dân nơi đây cũng có thêm một hướng ra đường Tố Hữu bằng việc đi qua cầu Cương Kiên và đường Trung Văn. 

Tất cả những lối đi này sẽ giúp người dân làng ngọc trục có thêm lựa chọn di chuyển, đồng thời rút ngắn đường di chuyển vào khu vực nội thành Hà Nội, không phải phụ thuộc vào trục đường "độc đạo" mà thường xuyên ùn tắc Tố Hữu. 

Về lâu dài, cầu Cương Kiên nằm trong hệ thống trục đường nối làng Ngọc Trục với Trần Hữu Dực kéo dài. Trục đường này chạy qua các địa điểm nổi tiếng như: Đại lộ Thăng Long, Khách sạn Marriott, Khu đô thị The Manor, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình... 

Dưới đây là một số hình ảnh vị trí làm cầu Cương Kiên và một số hướng mở đường theo qui hoạch quanh làng Ngọc Trục:

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 3.

Vị trí làm cầu Cương Kiên nối làng Ngọc Trục với phố Cương Kiên.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 4.

Khi dự án triển khai, một số ngôi nhà cuối phố Cương Kiên hiện nay sẽ được giải tỏa.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 5.

Đường Cương Kiên nằm trong hệ thống trục đường nối liền làng Ngọc Trục với khu vực Mỹ Đình, đi qua các địa điểm nổi tiếng như: Đại lộ Thăng Long, Khách sạn Marriott, Khu đô thị The Manor, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 6.

Ngoài cầu Cương Kiên, trong tương lai, một trục đường lớn được qui hoạch chạy dọc sông Nhuệ.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 7.

Trục đường ven sông Nhuệ này nối đường Sa Đôi với Tố Hữu. Đây cũng là đoạn được qui hoạch có tuyến tàu điện một ray số 2 chạy qua.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 8.

Phía Tây Bắc làng Ngọc Trục sẽ có đường Lê Quang Đạo kéo dài chạy qua. Đây là đường nối từ Đại lộ Thăng Long đến Vành đai 4 theo qui hoạch.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 9.

Những con đường lớn sẽ mở theo qui hoạch quanh làng Ngọc Trục (khung màu xanh) nhìn trên google vệ tinh (trong đó, đoạn gạch vàng là cầu và đường dẫn nối với phố Cương Kiên).

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 10.

Những đường lớn sẽ mở quanh làng Ngọc Trục trên thực tế.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 11.

Các mảnh đất trống quanh làng Ngọc Trục hiện nay được qui hoạch là đất cây xanh, đất làm công viên vui chơi giải trí và dịch vụ thể dục thể thao.

Cầu Cương Kiên,  - Ảnh 12.

Làng Ngọc Trục trên bản đồ qui hoạch.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.