Chất vấn về taxi công nghệ: Bộ trưởng GTVT khuyến cáo người dân khi mua xe

Ngày 5/6, Bộ trưởng GTVT đã trả lời chất vấn về taxi công nghệ và dự thảo Nghị định 86.

Chất vấn về taxi công nghệ: Bộ trưởng GTVT khuyến cáo người dân khi mua xe - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Quốc hội).

Bộ trưởng GTVT khuyến cáo người dân khi mua xe tham gia vận tải

Ngày 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nói nhiều cử tri cho rằng việc thực hiện Quyết định 24 về thí điểm "taxi công nghệ" kéo quá dài gây nhiều bất cập.

"Thời gian qua có nhiều khiếu kiện xung quanh vấn đề này. Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lại chậm được ban hành, việc chậm này ảnh hưởng như thế nào và khi nào thì ban hành?", đại biểu Hằng đặt câu hỏi.

Bên canh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng dẫn báo cáo của Bộ GTVT cho biết hiện nay trên toàn quốc có gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40.000 phương tiện tham gia thí điểm Quyết định 24.

"Tuy nhiên, thực tế xe công nghệ Grab đã đăng kí hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các HTX gấp 3 lần trên các tỉnh thành phố đang thực hiện, sao lại có sự chênh lệch cao như vậy?", đại biểu Hòa chất vấn.

Trả lời đại biểu Hằng, Bộ trưởng GTVT cho biết Bộ này đã sơ kết sau 2 năm thực hiện Quyết định 24.

"Từ sơ kết đó chúng tôi đã điều chỉnh Nghị định 86 sửa đổi. Nghị định này được sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội doanh nghiệp, người dân, các cơ quan thông tin truyền thông, kể cả các trung tâm nghiên cứu.

Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã trình Chính phủ 7 lần, mỗi lần đều thay đổi tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Cách đây 1 tuần, chúng tôi báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và chỉ còn một ý kiến giữa Bộ GTVT và TT&TT, các hiệp hội cơ quan gần như đồng thuận cao.

Chúng tôi hi vọng Nghị định 86 (sửa đổi) sớm được ban hành và khi ban hành chúng ta sẽ hủy Quyết định 24. Lúc đó, taxi công nghệ và taxi truyền thống có cạnh tranh như nhau, taxi truyền thống cũng được lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách", ông Thể nói.

Đối với ý kiến của đại biểu Hòa, ông Thể cho biết số liệu Bộ GTVT nắm được là 48.000 phương tiện nhưng trên thực tế có một số người dân đăng kí nhưng không hoạt động, diễn biến này chỉ doanh nghiệp nắm được.

"Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ Giao thông, Bộ Công an để nắm toàn bộ xe nào tham gia dịch vụ vận tải công nghệ.

Từ đó, chúng ta quản lí chặt chẽ tất cả các biến động, hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện để tránh thất thu thuế và tạo điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh vận tải", ông Thể cho hay.

Chất vấn về taxi công nghệ: Bộ trưởng GTVT khuyến cáo người dân khi mua xe - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Theo Bộ trưởng Thể, taxi hiện quản lí theo hạn ngạch. Tuy nhiên, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và sắp ban hành Nghị định 86 sửa đổi thì không còn hạn mức của taxi nữa.

"Hiện nay chúng tôi cho taxi cũng gắn thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ. Do đó sắp tới hoạt động này chắc chắn đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Tuy nhiên, thực tế là sẽ có nhiều phương tiện tham gia trên đường, đây là quyền của công dân và theo Luật Quy hoạch chúng ta không còn quản lí số lượng nữa,

Do đó, chúng tôi nghĩ cung cấp dịch vụ tốt cũng có hệ lụy là có thể có nhiều phương tiện hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, đây là kinh tế thị trường nên chúng tôi cũng đề nghị bà con khi mua xe tham gia vào các hoạt động vận tải chúng ta phải tính toán để đảm bảo hiệu quả", ông Thể khuyến cáo.

Không hạn chế số lượng taxi dễ rủi ro?

Đáng chú ý, đại biểu Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) cho rằng vừa qua Bộ trưởng GTVT cũng đã trả lời về vấn đề quản lý taxi Grab nhưng chưa thỏa đáng.

"Vừa rồi Bộ trưởng có chủ trương không hạn chế các phương tiện vận tải hành khách, trong đó có Grab. Đối với thủ đô Hà Nội, trong chiến lược phát triển mạng lưới công cộng hiện nay mới có 15% số người tham gia là sử dụng phương tiện xe buýt.

Trong những năm qua, Hà Nội đã phải quản lí xe taxi truyền thống, không cho phát triển quá nóng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, cao nhất là 22.000 xe.

Hiện nay, taxi truyền thống còn 15.000 ô tô, xe Grab đang là 31.000 ô tô và 50.000 xe máy.

Từ việc đó có thể nói rằng xe Grab, do điều kiện không phải đeo mào, có thể đi vào tất cả tuyến phố cấm xe giờ cao điểm. Còn taxi truyền thống có mào nên lực lượng chức năng nhận biết và quản lí được.

Do đó, tôi đề nghị Bộ trưởng cho phương hướng trong thời gian tới cụ thể, rõ ràng hơn", đại biểu Hải nói.

Chất vấn về taxi công nghệ: Bộ trưởng GTVT khuyến cáo người dân khi mua xe - Ảnh 3.

Không hạn chế số lượng taxi sẽ dẫn đến rủi ro? (Ảnh: Di Linh).

Trả lời đại biểu, ông Thể cho biết trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ.

"Nếu thành phố Hà Nội muốn hạn chế phương tiện thì không được vì chúng ta phải thực hiện Luật Quy hoạch.

Do đó, các doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế - xã hội để đầu tư và chịu rủi ro.

Trong Nghị định số 86 sửa đổi xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng kí, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống", ông Thể nói thêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.