Cảnh hoang phế của dinh họ Vương năm 2000, dù đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1993. (Ảnh: Lưu Quang Phổ).
Ông Vương Duy Bảo, một trong những người thừa kế của vua Mèo, cho biết từ 15.6, ông sẽ cho đóng cửa tạm dừng khai thác du lịch dinh vua Mèo. Lý do là vì chưa có quy chế quản lý di tích này theo yêu cầu tiến độ của ông.
“Tôi cứ đóng thôi vì tôi đã thông báo cho Sở VH-TT-DL rồi, cơ quan quản lý chuyên môn rồi. Từ 21/5 tôi đã họp với họ rồi, tôi cũng thông báo 15/6 sẽ tiếp quản di tích, và tiếp quản thì tôi sẽ đóng cửa nhà tôi thôi, vì các anh không ra quy chế quản lý di tích”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cũng cho rằng, giờ đây đã nắm trong tay sổ đỏ (mới cấp hồi tháng 5), dòng họ của mình có quyền định đoạt với dinh thự này.
Chưa có quy chế quản lý di tích sau khi dòng họ Vương nắm được sổ đỏ, nhưng Sở VH-TT-DL Hà Giang cũng đang soạn thảo và hoàn thiện quy chế mới này.
Ngày 31/5, Sở đã gửi văn bản cho ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo, đại diện con cháu nhà họ Vương, về việc tham gia ý kiến vào dự thảo Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Sở cũng gửi kèm theo dự thảo quy chế gồm 8 chương 30 điều để 2 ông đọc và góp ý. Văn bản có đoạn: “Sở VH-TT-DL đề nghị ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo nghiên cứu và có ý kiến tham gia vào dự thảo quy chế. Riêng đối với điều 16 quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan di tích, Sở sẽ mời đại diện con cháu họ Vương làm việc, bàn bạc cụ thể, thống nhất, sau đó trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định, sau khi được phê duyệt sẽ đưa vào quy chế”.
Về phần mình, ngày 5/6, ông Vương Duy Bảo gửi văn bản trả lời Sở. Trong đó, ông nhắc lại việc UBND H.Đồng Văn đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất của dinh thự cho họ Vương người H’Mông, và cho rằng: “Như vậy, luật pháp đã công nhận đây là tài sản thuộc sở hữu của dòng họ Vương, chúng tôi có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Vì vậy, để xây dựng bản quy chế này, về mặt nhà nước là Sở VH-TT-DL phải mời đại diện họ Vương chúng tôi cùng nhau thương thảo để thống nhất 3 nội dung. Thứ nhất, trách nhiệm của nhà nước đối với khu dinh thự họ Vương (vì đây là di tích cấp quốc gia). Thứ hai, trách nhiệm của dòng họ Vương cùng nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Thứ ba, phân chia quyền lợi của nhà nước và họ Vương khi khối tài sản này của chúng tôi (di tích) được bán vé, thu tiền khách tham quan”.
Đây là lĩnh vực văn hóa, một kiểu bảo tàng tư nhân, di tích tư nhân để phục vụ cộng đồng, du khách. Mình đặt cái tính phục vụ, cống hiến cộng đồng lên hàng đầu, chứ không phải hoạt động buôn bán để chúng ta thích thì mở, không thích thì đóng được.
Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc HanoiRedtours, cho biết nếu đóng cửa dinh Nhà Vương sẽ là một điều đáng tiếc, vì đó là một điểm chính, hấp dẫn của tour Hà Giang, Đồng Văn.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lữ hành. “Sẽ phải điều chỉnh điểm đến này nếu đóng cửa. Tuy nhiên, tuyến Đồng Văn - Hà Giang vẫn bán tour mà không đưa đến địa điểm này”, ông Hoan nói.
Về việc đóng cửa dinh như tuyên bố của ông Bảo, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, lên tiếng: “Làm như thế là không được rồi con cháu nhà vua Mèo ơi. Bình tĩnh cùng bàn. Đây là lĩnh vực văn hóa, một kiểu bảo tàng tư nhân, di tích tư nhân để phục vụ cộng đồng, du khách. Mình đặt cái tính phục vụ, cống hiến cộng đồng lên hàng đầu, chứ không phải hoạt động buôn bán để chúng ta thích thì mở, không thích thì đóng được. Còn chuyện hiểu và chia sẻ với gia đình vua Mèo sẽ phải thương lượng bàn thảo với nhau chứ không thể dùng cái đó gây sức ép. Như thế là sai. Chỉ được đóng cửa khi vận hành để tu bổ, nâng cấp, chứ không thể đóng cửa vì thích hay không thích, hay có chuyện gì đó không vừa ý với nhau”.
Trong khi đó, PGS-TS Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn di sản kiến trúc (ĐH Kiến trúc Hà Nội), cho rằng dinh vua Mèo là một di sản nên được cộng đồng biết đến. Việc cộng đồng tham quan có lợi cho cả các bên. “Nếu gia đình khăng khăng đóng cửa thì cũng xem xét lại thiện chí. Họ đã có nhiều trợ giúp để trùng tu ngôi nhà, đã có lại được giấy tờ sổ đỏ. Còn nếu họ cứ kiếm cớ để đóng thì thiếu thiện chí quá”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, không dễ gì chỉ trong vòng 1 tháng mà soạn thảo được quy chế phù hợp với các bên. Trường hợp nhà nước và tư nhân cùng quản lý di tích cũng là chuyện rất mới. Chính vì thế, theo ông Hưng: “Đàm phán cơ chế như vậy đòi hỏi mọi bên đều phải có thiện chí mới được. Rất cần cùng hiểu biết, cùng cảm thông”.