Chê hàng không giá rẻ 'không thể tồn tại lâu dài', Vietnam Airlines đang thua 'đứt đuôi' Vietjet Air

Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng các hãng hàng không giá rẻ mọc lên như 'nấm sau mưa' sẽ không thể tồn tại lâu dài nhưng thực tế cho thấy Vietnam Airlines đã "thua đứt đuôi" Vietjet Air.

Hàng không giá rẻ "không thể tồn tại lâu dài"

Sáng 20/6, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên. Một trong những thông tin được chú ý nhất chính là việc ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhận xét về hàng không giá rẻ.

Theo ông Thành, tổng thị trường giá rẻ đang chiếm khoảng 60% lượng khách. Ông Thành cho biết, tính đến đầu năm 2016, hàng không giá rẻ quốc tế tham gia thị trường Việt Nam như Air Asia, Tiger Air, Lion Air, Nok Air,... chiếm khoảng 13%, đến tháng 5/2017 đã lên đến gần 20%.

Vietnam Airlines dự kiến thị phần các hãng bay nước ngoài sẽ tăng lên 30-40% chỉ trong vòng 2-3 năm tới.

Mặc dù lựa chọn phân khúc "cao cấp" hơn nhưng Vietnam Airlines cũng đặt chân vào phân khúc giá rẻ qua Jetstar Pacific. Tuy nhiên, phân khúc này được đánh giá là không hề dễ dàng. Lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ, Jetstar Pacific có lãi chút ít trong 2 năm 2014 và 2015 nhưng chịu lỗ trở lại trong năm 2016.

che hang khong gia re khong the ton tai lau dai vietnam airlines van thua dut duoi vietjet air

Ông Thành đã phân tích những cái khó của hàng không giá rẻ. Theo ông Thành, trong giai đoạn đầu của tất cả các hãng, thời gian 5 đến 10 năm đầu đều phải chi phí tài chính cao và thua lỗ. Điều này xảy ra ở nhiều nước châu Á.

Ông Thành khẳng định tất cả "nấm sau mưa" mọc lên thì sẽ tự điều chỉnh, không thể tồn tại được dài hơi.

Tuy nhiên, khi cổ đông hỏi "tại sao cũng là giá rẻ nhưng Jetstar thì lỗ còn Vietjet Air thì có lãi", lãnh đạo Vietnam Airlines từ chối đưa ra bình luận về đối thủ.

Vietjet Air ra đời năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP HCM đi Hà Nội vào ngày 25/12/2011. Tính ra, Vietjet Air có 10 năm "tuổi đời" và chỉ 6 năm "tuổi nghề".

Vietjet Air không công bố báo cáo tài chính tất cả các năm nhưng trong 2 năm gần đây nhất (nghĩa là chỉ 4 năm sau ngày cất cánh), hãng hàng không giá rẻ này đều có lãi khủng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2015 và 2016 của Vietjet Air lần lượt là 1.170 tỷ đồng và 2.292 tỷ đồng. Có thể thấy, Vietjet Air đã có lãi lớn sau thời gian ngắn hoạt động, không rơi vào tình cảnh thua lỗ từ 5 đến 10 năm liên tiếp như "thông lệ quốc tế".

Thua "đứt đuôi" Vietjet Air

Trong khi Vietnam Airlines "chê" hàng không giá rẻ "sẽ không thể tồn tại lâu dài", Vietnam Airlines lại thua "đứt đuôi" Vietjet Air ở nhiều chỉ tiêu. Trong đó, đáng chú ý nhất là giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường và lợi nhuận.

Vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 12.275 tỷ đồng, nhiều gấp gần 4 lần Vietjet Air (3.224 tỷ đồng). Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 và 2016 của Vietnam Airlines lại thua Vietjet Air.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vietnam Airlines chỉ là 480 tỷ đồng thì Vietjet Air đã kiếm được 1.170 tỷ đồng. Sang năm 2016, khoảng cách này được rút ngắn xuống. Lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 2.105 tỷ đồng và 2.290 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc Vietjet Air sử dụng đồng vốn tốt hơn rất nhiều so với Vietnam Airlines.

Nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy Vietjet Air kinh doanh hiệu quả hơn Vietnam Airlines nên giá cổ phiếu VJC (Vietjet Air) cao hơn HVN (Vietnam Airlines) rất nhiều. Trong khi HVN chào sàn với giá 28.000 đồng/CP thì VJC lên sàn với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP.

HVN chỉ có 2 phiên tăng trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn nhưng VJC lại có 4 phiên liên tiếp. Sau đó, cổ phiếu VJC tiếp tục bứt phá áp đảo so với HVN khiến vốn hóa thị trường Vietjet Air nhanh chóng vượt qua Vietnam Airlines.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/6, VJC dừng ở mức 124.000 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường Vietjet Air đạt 39.976 tỷ đồng, nhiều hơn con số 33.021 tỷ đồng của Vietnam Airlines.

Nhờ cổ phiếu VJC, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên tới 16.753 tỷ đồng, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng và ông Trịnh Văn Quyết.

Không chỉ vậy, bà Thảo còn được tạp chí Fobes vinh danh là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất châu Á và là nữ tỷ phú đô la đầu tiên ở Việt Nam. Theo thống kê của Forbes, tài sản của bà Thảo lên tới 1,57 tỷ USD (khoảng 35.796 tỷ đồng).

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...