Chỉ chưa tròn 3 tháng, dịch tả heo châu Phi đã lây lan toàn bộ các tỉnh thành phía Nam

Dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại miền Nam vào ngày 11/4, bắt đầu tại tỉnh Hậu Giang. Chỉ gần 3 tháng, các tỉnh thành phía Nam, Tây Nguyên đều xuất hiện dịch.

Tây Ninh là tỉnh thứ 62 của cả nước phát hiện dịch tả heo châu Phi. Như vậy, đến thời điểm này,  cả nước chỉ còn duy nhất Ninh Thuận là địa phương chưa xảy ra dịch.

Kể từ khi ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Hưng Yên vào đầu tháng 2, các địa phương đã thực hiện rốt ráo công tác phòng, chống, hạn chế lây lan nguồn bệnh, đặc biệt không để dịch tràn vào các tỉnh phía Nam, nơi có đàn heo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, dịch đã  lan ra cả nước.

Dịch tả châu Phi tấn công các tỉnh phía Nam nhanh thế nào?

Ngày 11/4, tỉnh Hậu Giang phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi của một hộ nuôi nhỏ lẻ, tổng đàn khoảng 50 con. Đây là ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại miền Nam. 

Tuy nhiên, thông tin miền Nam xuất hiện dịch chỉ thật sự gây chú ý khi đầu tháng 5, hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của Đồng Nai đồng loạt công bố dịch tả heo châu Phi. Thông tin này gây "chấn động" ngành chăn nuôi, bởi Đồng Nai là "thủ phủ" heo của cả nước, tổng đàn lên đến 2,5 triệu con. 

1-15584322668631763461243-3

Chỉ trong vòng 3 tháng, dịch tả tấn công gần hết các tỉnh phía Nam, hiện chỉ còn Ninh Thuận chưa có dịch. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

"Nếu Đồng Nai xảy ra dịch sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành chăn nuôi cả nước. Với số lượng tổng đàn lớn, cung cấp heo cho các địa phương, đặc biệt là TP HCM, thì nguy cơ dịch bệnh sẽ lan rộng ra các tỉnh thành khác", Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Võ Kim Đoán từng dự báo về tình hình dịch bệnh khi dịch chưa tràn vào phía Nam.

Đúng như dự báo của ông Đoán, ngay trong tháng 5, kể từ khi Đồng Nai xảy ra dịch, hàng loạt các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã bùng phát dịch tả heo châu Phi.

Diễn biến nhanh chóng và phức tạp nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ trong thời gian từ nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6, lần lượt 10 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang và Trà Vinh liên tục công bố dịch. Thậm chí, trong một ngày, có cùng lúc vài tỉnh công bố dịch. Đến ngày 2/7, tỉnh cuối cùng của miền Tây là Bến Tre, đã công bố có dịch. 

lon-ca-mau-1559277938945742553634

Đặc trưng sông nước miền Tây là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả châu Phi lan nhanh. (Ảnh: LD).

Ngoài chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng, quán ăn, không đảm bảo an toàn sinh học chuồng trại, một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến dịch lây lan nhanh tại Tây Nam Bộ là do đặc thù địa hình sông ngòi dày đặc kết hợp thời tiết diễn biến phức tạp. 

Trong khi đó, tại Đông Nam Bộ, sau khi dịch xảy ra tại Đồng Nai, 2 tỉnh giáp ranh là Bình Phước và Bình Dương cũng nhanh chóng bùng phát dịch. 

Ngày 11/6, dịch tấn công TP HCM, dù thành phố đã rất quyết liệt trong việc chốt chặn, kiểm soát nguồn heo ra vào địa phương, thậm chí không nhận heo từ các tỉnh phía Bắc.

Cách đây hai ngày (7/7), Tây Ninh cũng công bố dịch, đồng nghĩa toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ cũng không còn địa phương nào nằm ngoài vòng lay lan nhanh chóng của dịch tả heo châu Phi. 

Chỉ còn Ninh Thuận chưa có dịch

Tại khu vực Tây Nguyên, dịch tả heo châu Phi xảy ra sớm nhất tại tỉnh Đắk Nông. Địa phương này công bố dịch ngày 17/5. Ngay trong tháng 5 và đầu tháng 6, lần lượt Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum đều xảy ra dịch. Và tỉnh Lâm Đồng cũng công bố dịch liền sau đó. 

Còn khu vực Nam Trung Bộ, dịch tả heo châu Phi xảy ra sớm nhất tại tỉnh Khánh Hòa vào tháng 4. Đến tháng 5, dịch bùng phát tại Quảng Nam, rồi nhanh chóng lan rộng sang các địa phương còn lại. 

Đến nay, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất của Nam Trung Bộ và cả nước chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Như vậy, kể từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại phía Nam, chỉ gần 3 tháng sau, cả miền Nam chỉ còn Ninh Thuận cầm cứ phòng dịch. 

Nguyên nhân khiến dịch phức tạp, lây lan nhanh chóng 

Theo báo cáo của Cục Thú y, đến ngày 12/5, dịch tả heo châu Phi xảy trên địa bàn 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 1,2 triệu con, tương đương 4% đàn heo cả nước.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay, dịch đã có tại 62/63 tỉnh thành, số heo bị tiêu hủy khoảng 3 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn heo cả nước. Ngay cả những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, công tác phòng dịch được thực hiện đồng bộ cũng không thể thoát khỏi dịch bệnh. 

images2202595_s_t_tr_ng-3

Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển chưa đúng quy định là một trong các nguyên nhân gây bùng phát dịch tả châu Phi. (Ảnh minh hoạ: Báo Đồng Nai).

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhiều lần thừa nhận nguyên nhân khiến dịch lan nhanh, phức tạp là do công tác phòng, chống dịch còn nhiều bất cập.

Cụ thể, công tác tổ chức xử lí tiêu hủy heo bệnh của các địa phương chưa kịp thời, không bảo đảm yêu cầu, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho cộng đồng.

Ngoài ra, một số địa phương có hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển chưa đúng quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán heo bệnh, heo nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.

Hệ thống thú y cũng chưa được củng cố theo đúng quy định của Luật thú y, chưa chủ động giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp về thú y.

Ngoài ra, còn cả chính sách hỗ trợ người chăn nuôi chưa kịp thời dẫn đến bán tháo, bán chạy làm tăng nguy cơ lây lan nguồn bệnh.

Ông L.V.H. chủ trang trại chăn nuôi heo lớn tại tỉnh Bình Thuận đã bị dịch tấn công, thì cho rằng một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh chóng và diễn biến phức tạp là công tác phòng chống, hạn chế mầm bệnh không triệt để. 

Dẫn chứng về trường hợp của mình, ông H. cho biết theo quy định việc tiêu hủy phải được diễn ra nhanh chóng, sau khi phát hiện dịch. Nhưng thực tế, việc tiêu hủy tổng đàn heo của ông kéo dài khoảng 10 ngày. Đồng thời, sau tiêu hủy, công tác phòng dịch, vệ sinh chuồng trại theo các phương pháp an toàn sinh học cũng không được đảm bảo. 

Ông H. cho rằng điều này càng làm tăng nguy cơ mầm bệnh bị phát tán.