Người dân 'khóc ròng' vì dưa hấu chín đầy đồng, thương lái trả 1.000 đồng/kg | |
Dưa hấu chín đỏ đồng, nông dân 'ngồi khóc' |
Dưa hấu chín vàng nhưng người dân không mặn mà thu hoạch bán vì giá 1.000 đồng/kg, bằng 1/10 so với năm 2016. Ảnh: Quang Nam |
Thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh trồng hơn 540 ha dưa hấu, trong đó huyện Bình Sơn trồng hơn 380 ha, còn lại là huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Trà Bồng. Nếu như năm trước, giá dưa hấu cao ngất ngưởng là 9.000 đến 10.000/kg thì năm nay giá dưa giảm sâu còn 1.000 đồng/kg.
Theo ông Phan Bá, Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, trái dưa hấu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tiêu thụ là chính. Mặc dù Chi cục đã khuyến cáo người dân không nên trồng ào ạt nhưng do tâm lý năm trước giá cao, đem lại nguồn thu nhập lớn nên bất chấp khuyến cáo, trồng ào ạt với diện tích lớn.
Dưa hấu chín nhưng thương lái trả giá chỉ 1.000 đồng/kg do năm nay phía Trung Quốc giảm sức tiêu thụ. Ảnh: Quang Nam |
Ngoài trái dưa hấu giá giảm sâu thì hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giá ớt cũng giảm bằng 1/10 so với thời điểm dịp Tết Nguyên đán vì cũng phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc. |
Trước tình trạng dưa hấu đang chín vàng đầy đồng, người dân “khóc ròng” vì bỏ cho thối rữa hay hái cho trâu bò ăn do giá quá thấp, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã vào cuộc “giải cứu” giúp cho người dân.
Trả lời chúng tôi chiều 31/2, anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ thì Tỉnh đoàn quyết định giúp bán dưa cho người dân.
“Lúc ban đầu chúng tôi quyết định giải cứu dưa giúp người dân thì nhiều người phản đối, bởi năm 2015 cũng đã giải cứu một lần rồi, giờ giải cứu lần nữa bà con sẽ ỷ lại. Thế nhưng, mình là lực lượng xung kích tuổi trẻ mà, mình đâu thể bỏ rơi bà con trong lúc khó khăn được” anh Nghĩa chia sẻ.
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi giải cứu dưa hấu cho người dân với giá 2.500 đến 3.000/kg để người dân thu hồi được vốn. Ảnh: Quang Nam |
Theo anh Nghĩa, hiện trên toàn tỉnh thì huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh là trồng diện tích dưa hấu lớn nhất. Số lượng dưa hấu thu hoạch dự kiến đạt khoảng 4.000 tấn.
Sau khi khảo sát thực tế, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi giúp người dân vận chuyển dưa hấu bằng xe tải về 8 điểm bán gồm: Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Trường CĐ Y tế Đặng Thuỳ Trâm (TP Quảng Ngãi); Trường ĐH Tài chính-Kế toán (huyện Tư Nghĩa); Trụ sở huyện đoàn Trà Bồng; Trụ sở huyện đoàn Sơn Tịnh; Trụ sở huyện đoàn Mộ Đức và Trụ sở huyện đoàn Bình Sơn.
Theo người dân, vì tiền giống, tiền phân bón, thuốc và công chăm sóc khá lớn nên bán với giá 2.500 đến 3.000 đồng/kg mới thu hồi lại được vốn. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đồng ý với giá tiền đó nên quyết định đó là giá chung công khai để khách hàng chia sẻ với người dân.
Người dân mua giúp dưa hấu tại một điểm trường ĐH Phạm Văn Đồng. Ảnh: Quang Nam |
Anh Nghĩa nói: “Chúng tôi để người dân trực tiếp bán, chia sẻ với khách hàng và thu tiền ngay tại mỗi điểm bán chứ không thu hộ. Đây là sự công khai, minh bạch lẫn cho người được giúp và người mua. Tính đến chiều 31/3, chúng tôi đã cùng người dân bán được hơn 100 tấn dưa, đây là con số vẫn còn nhỏ trong khoảng 4.000 tấn”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Minh Lan (63 tuổi, ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) thừa nhận, do giá dưa hấu năm trước cao tới 10.000 đồng/kg nên bà cùng người dân trong xã trồng mà chưa nghĩ tới việc phía Trung Quốc giảm tiêu thụ.
Giờ việc bán dưa hấu của gia đình bà và người dân khác trông nhờ vào Tỉnh đoàn Quảng Ngãi để lấy lại được vốn từ 4 sào canh tác trong thời gian tới.
Dưa hấu chín vàng thối rữa trên cánh đồng xã Tịnh Hiệp. Ảnh: Quang Nam |
Cũng qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có một số doanh nghiệp đã liên hệ với đầu mối là Tỉnh đoàn Quảng Ngãi để vận chuyển dưa hấu ra Hà Nội và vào TP HCM tiêu thụ giúp người dân Quảng Ngãi.