Chi phí sống ở Sài Gòn so với Singapore, Bangkok ra sao?

Giá nhà bình quân ở TP HCM rẻ hơn Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore, trong khi chi phí ăn uống cũng được xem là "dễ chịu" hơn.

Khó để xác định có thực sự 'dễ thở' hơn hay không vì còn phụ thuộc vào bình quân thu nhập, nhưng nếu tính trên giá cả trung bình thì một số chi phí thiết yếu liên quan đến cuộc sống của cư dân tại TP HCM đang "rẻ" hơn các thành phố lớn trong khu vực như Singapore, Bangkok hay Kuala Lumpur.

Chi phí sống ở Sài Gòn so với Singapore, Bangkok ra sao? - Ảnh 1.

Theo báo cáo 'Global Living 2019' mới đây của CBRE Group, giá trung bình của một căn nhà tại TP HCM là tầm 103.000 USD (khoảng 2,4 tỉ đồng), xếp 34/35 thành phố được khảo sát, chỉ đắt hơn Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, giá nhà trung bình của Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur lần lượt đứng vị trí thứ 2, 33 và 32 trong bảng xếp hạng. Trung bình người Singapore phải tốn hơn 874.000 USD để mua một căn nhà, tức hơn 20 tỉ đồng.

Giá nhà tại TP HCM đã tăng 2% vào năm ngoái. Đây là tỉ lệ không quá "nóng" khi giá nhà tại Kuala Lumpur tăng 4% và Bangkok cũng tăng không kém với 4%. Với tầng lớp trung lưu sống tại thành phố lớn nhất Việt Nam, họ tốn trung bình khoảng 403.000 USD, tức hơn 9,3 tỉ đồng để sở hữu một căn nhà cao cấp.

Trong khi đó, nhà giàu Kuala Lumpur và Bangkok tốn hơn một chút với chi phí trung bình lần lượt gần 415.000 USD và 456.000 USD. Riêng Singapore vốn nổi tiếng có giá bất động sản đắt đỏ nên giá một căn nhà phân khúc cao cấp tại đây đang hơn 1,2 triệu USD. Tất nhiên, lương bình quân hàng năm của người dân đảo quốc này cũng cao, khoảng 37.000 USD.

Xét ở khoản mua nhà, nếu chiếu vào thu nhập thì người Sài Gòn gặp khó hơn khá nhiều. Theo số liệu của UBND TPHCM, năm 2018, GRDP của TP HCM đạt 57 tỉ USD. Nếu chia cho 9 triệu dân thì thu nhập bình quân đầu người đang hơn 6.300 USD một năm. Trong khi đó, GDP đầu người năm 2018 của Singapore là 65.630 USD, theo dữ liệu của IMF, gấp hơn 10 lần người dân TP HCM.

Tuy nhiên, giá trung bình một căn nhà ở đảo quốc này chỉ gấp tầm 8,5 lần so với TP HCM. Vì vậy, giá nhà rẻ hơn không đồng nghĩa người Sài Gòn dễ có khả năng mua hơn, nếu xét về thu nhập.

Đó là chưa kể vì quỹ đất hạn hẹn nên giá nhà ở Singapore vốn thuộc nhóm cao hàng đầu châu Á. Ở hai thành phố khác là Bangkok và Kuala Lumpur, giá nhà so với thu nhập của cư dân "dễ thở" hơn Sài Gòn. Số liệu của chính phủ Malaysia cho biết, thu nhập bình quân đầu người tại Kuala Lumpur năm 2017 là hơn 27.000 USD, tức gấp gần 4,3 lần TP HCM. Tuy nhiên, một căn nhà tại đây có giá trung bình chỉ nhỉnh hơn TP HCM một chút (119.738 USD so với 103.057). Nói cách khác, người Sài Gòn mất tầm 16 năm thu nhập để mua một căn nhà trong khi người Kuala Lumpur chỉ mất 4,4 năm thu nhập.

Ở TP HCM, một bữa ăn hai người tại nhà hàng tầm trung tốn 17 USD, tức gần 400.000 đồng. Tại Đông Nam Á, báo cáo chỉ có số liệu hạng mục tương tự tại Bangkok. Chi phí cho bữa ăn hai người tại nhà hàng tầm trung thủ đô Thái Lan là 26 USD, tức hơn 600.000 đồng. So với các nơi khác có ghi nhận số liệu trong khảo sát 35 thành phố trên thế giới thì bình quân chi phí ăn uống tại TP HCM cũng rẻ nhất.

Tại Singapore, người chưa sở hữu nhà sẽ tốn trung bình 1.935 USD mỗi tháng để thuê một căn. Nếu người đó có con nhỏ, họ sẽ tốn bình quân 689 USD để gửi con vào trường mầm non. Một tách cappuccino họ uống sẽ mất 3,42 USD. Người Bangkok không chỉ tận hưởng giá nhà chỉ bằng một phần tám ở Singapore mà tách cappuccino cũng rẻ hơn 1 USD, bình quân chỉ 2,41 USD.

Với TP HCM, căn hộ chung cư đang trở thành lựa chọn phổ biến khi giá nhà đất đắt đỏ so với thu nhập. "Gia tăng dân số nhanh chóng và việc làm đang tạo ra nhu cầu cao về nhà ở mới. Chúng được đáp ứng bởi thị trường nhà chung cư, nổi lên như một hướng đi cực kỳ thành công trong những năm gần đây", báo cáo nhận xét. Ở thành phố này, giá vé bình quân một chuyến đi phương tiện công cộng, tức xe buýt, là 0,26 USD, tương đương 6.000 đồng. Tuy nhiên, người dân chủ yếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Bảng báo cáo cũng nói rằng, TP HCM được ca ngợi như "Thung lũng Silicon của châu Á" vì cơ sở hạ tầng được nâng cấp và nền kinh tế mạnh về công nghệ. Nơi đây đang được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ để xây dựng một thành phố sáng tạo. Hơn 24 cơ sở ươm tạo và 12 không gian khởi nghiệp đã được thành lập, khuyến khích hơn 800 liên doanh mới đi vào hoạt động và thu hút các công ty công nghệ ở nước ngoài đầu tư.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.