Sếp địa ốc Đất Lành: 'Nhà giá rẻ từ chỗ ít người làm đến nay không còn ai làm nữa'

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng 10 năm trước, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia xây dựng nhà giá bình dân, nhưng hiện nay không ai làm nữa do lợi nhuận thấp, chỉ 1-2 triệu đồng/m2, chính sách không hấp dẫn lại rủi ro.

Chia sẻ tại buổi gặp giữa lãnh đạo TP HCM với hơn 100 doanh nghiệp bất động sản hôm 10/4, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực nói rằng người có thu nhập thấp tại TP HCM đang dần mất cơ hội sở hữu nhà ở bởi giá nhà tăng cao vượt thu nhập của họ. Điều đáng báo động, theo ông Đực là phân khúc nhà giá thấp tại TP HCM đã mất. 

Mất phân khúc nhà giá rẻ vì không còn ai làm

Ông Nguyễn Văn Đực cho hay nhờ khoảng 10 năm trước, tại TP HCM có rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư căn hộ ở phân khúc nhà ở giá trung bình thấp. Nổi bật là các doanh nghiệp như Nam Long, Hưng Thịnh, Nhà thủ Đức, Đất Lành... Khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp khác cũng bước vào đầu tư cho phân khúc nhà giá trung bình, thấp như Khang Gia, Lê Thành, Hoàng Quân...

Sếp địa ốc Đất Lành: Nhà giá rẻ từ chỗ ít người làm đến nay không còn ai làm nữa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng 10 năm trước, tại TP HCM có nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia xây dựng nhà giá thấp, nhưng hiện nay không ai làm nữa.

Ông Đực cho rằng thời điểm đó, các doanh nghiệp bất động sản cùng có chung mục tiêu giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp tại TP HCM, bởi nhu cầu rất lớn.

"Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, từ nhiều doanh nghiệp làm đến còn số ít làm, rồi đến nay đã không ai làm nhà giá thấp nữa. Tại TP HCM hiện nay, phân khúc nhà giá thấp đã mất", ông Đực khẳng định.

Lãnh đạo Công ty địa ốc Đất Lành cũng cho hay các doanh nghiệp như Phúc Khang, Đất Lành  đã quyết định "bái bai" phân khúc này vì nhiều lí do. Ông cũng nói vui rằng thậm chí công ty Khang Gia phải chịu nhiều tai tiếng với các dự án nhà giá rẻ và chính Đất Lành của ông phải "đi an dưỡng cho lành", khi đã đặt chân vào dự án nhà giá thấp này.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu và nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng đồng tình trước ý kiến của ông Đực về nhu cầu phân khúc nhà ở, căn hộ bình dân dành cho người có thu nhập trung bình thấp tại TP HCM đang rất bức thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lí do mà nguồn cung căn hộ phân khúc này dường như bị đứt thời gian qua.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2019 của DKRA, nguồn cung căn hộ tại TP HCM đã giảm do các vấn đề về pháp lí, thanh tra, rà soát của cơ quan chức năng. Trong khi các căn hộ từ mức trung bình trở lên giảm thì phân khúc căn hộ giá rẻ không có bất kì một dự án nào được đưa ra thị trường.

Đơn vị này cũng khẳng định nguồn cung phân khúc nhà giá thấp sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Đặc biệt, hiện trên thị trường cũng không còn căn hộ hạng C dưới 23 triệu đồng mỗi m2.

Mất 18 tháng chờ duyệt hồ sơ

Ông Nguyễn Văn Đực nói rằng  lí do mà các doanh nghiệp bất động sản "đuối sức" khi tham gia đầu tư nhà giá rẻ, và từ chối ở phân khúc này do lãi rất thấp, chỉ khoảng 1-2 triệu đồng mỗi m2 nhưng rủi ro rất cao.

"Trong khi đó, ở quá trình thực hiện, các thủ tục pháp lí phải xin rất cực khổ. Ngoài ra, đầu tư nhà ở giá thấp nhưng doanh nghiệp cũng phải xây dựng đầy đủ, hoàn thiện hạ tầng chung quanh, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy… Nói đúng ra phải thực hiện như các dự án trung, cao cấp". Ông Đực nói và cho rằng đây là những lí do khiến phân khúc này không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

Sếp địa ốc Đất Lành: Nhà giá rẻ từ chỗ ít người làm đến nay không còn ai làm nữa - Ảnh 2.

Theo ông Đực, xây nhà giá thấp kém hấp dẫn do lợi nhuận không cao, chỉ 1-2 triệu đồng/m2 nhưng nhiều rủi ro. (Ảnh: Zing).

Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành còn dẫn chứng câu chuyện chính doanh nghiệp của mình gặp phải tình trạng các thủ tục hành chính, hồ sơ "bị ngâm" tại các sở ngành trong thành phố đến 1,5 năm, khiến tiến độ thực bị ngưng trệ.

"Một dự án của công ty tôi phải mất 18 tháng mới xong thủ tục duyệt đóng bổ sung tiền sử dụng đất. Trong đó, hồ sơ mất 4 tháng nằm ở Sở Tài chính, mất thêm 14 tháng ngâm tại Sở Tài nguyên Môi trường. Với tiến độ thủ tục hành chính liên quan đến đất đai kéo dài như hiện nay, chẳng còn doanh nghiệp nào mặn mà làm nhà giá rẻ, vì chi phí chờ đợi quá lớn", ông Đực bức xúc.

Lãnh đạo Đất Lành cho rằng chính quyền thành phố không nên "lãng quên" phân khúc này, mà cần có chiến lược, phương pháp khuyến khích xây dựng nhà giá thấp, bởi nhu cầu hàng là rất lớn.

Ông kiến nghị UBND TP cần phân cấp cho các sở, ngành giải quyết các vấn đề pháp lí, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, tránh tình trạng vấn đề gì cũng phải trình lên UBND TP xem xét. Có như vậy mới đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục, giúp doanh nghiệp triển khai các dự án.

Cán bộ Sở tài nguyên Môi trường nói gì về chuyện "ngâm" hồ sơ?

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho biết hiện các thủ tục liên quan vấn đề đất đai của doanh nghiệp bất động sản như thẩm định giá… hoạt động của Sở là liên tục.

Ông Thắng cho hay nếu doanh nghiệp phát hiện hồ sơ nộp tại Sở có hiện tượng bị "ngâm" thì hãy phản ánh trực tiếp, để được giải quyết, có thể phản ánh trực tiếp đến ông vì ông là người đứng đầu.

Sếp địa ốc Đất Lành: Nhà giá rẻ từ chỗ ít người làm đến nay không còn ai làm nữa - Ảnh 3.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay với nhà tái định cư, quan điểm của thành phố là trong thời gian tới sẽ sử dụng tối đa hiệu quả quỹ nhà hiện có. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

"Các trường hợp làm khó của cán bộ sẽ bị xử lí đến nơi, đến chốn. Còn những vấn đề liên quan pháp lí thì cùng nhau tháo gỡ", ông Thắng nói.

Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn nhìn nhận với nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp hiện nay, số lượng các dự án đang có trên thị trường là chưa đủ đáp ứng. Theo ông Tuấn, có dự án hàng nghìn căn nhưng số đơn đăng kí mua lại lớn hơn rất nhiều con số này.

"Chính sách về nhà ở giá rẻ hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Sắp tới, cần phải có thêm nhiều dự án khác. Sở sẽ kiến nghị công bố thủ tục đầu tư, công bố thiết kế điển hình để nhà đầu tư thực hiện, giúp giảm chi phí, thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, khuyến khích nhà ở xã hội", ông Tuấn thông tin.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định về vấn đề nhà ở xã hội, nhà tái định cư, quan điểm của thành phố là trong thời gian tới sẽ sử dụng tối đa hiệu quả quỹ nhà hiện có, còn những quỹ nhà tái định cư quá 5 năm không sử dụng sẽ bán đấu giá.  

Xem thêm: Bình Dương: Khách hàng mua đất của Địa ốc Kim Oanh, nhiều năm chưa được bàn giao 'sổ đỏ'

Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng cho rằng cần phải tính toán lại các phương án giá của nhà ở xã hội, các phương thức trả chậm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình, chủ đầu tư cho phân khúc có nhu cầu cao này.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, một thống kê mới đây của TP HCM cho thấy thành phố mới có 38% là nhà kiên cố, 60% là bán kiên cố và 2 % là nhà tạm… Con số này đang khiến chính quyền và người dân thành phố phải nhìn nhận lại về nhà ở.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.