Phần lớn các vướng mắc doanh nghiệp bất động sản chia sẻ đến Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư thường trực Trần Lưu Quang cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến và lãnh đạo sở ngành tại cuộc gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản ngày 10/4, xoay quanh các dự án đang "mắc kẹt" khiến nguồn cung đưa ra thị trường khan hiếm, nguy cơ tăng giá nhà cận kề.
Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, trong quý I/2019, số lượng cấp phép dự án nhà ở thuộc thẩm quyền sở giảm đến 63%, các dự án được chủ đầu tư thực hiện thủ tục để công nhận đầu tư giảm mạnh, dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm theo.
Theo các doanh nghiệp, thời gian qua, nguồn cung bất động sản trên địa bàn TP HCM khan hiếm, do hàng loạt dự án đóng băng bởi các cơ chế về pháp lí, rà soát, thanh tra của chính quyền. Nguồn cung giảm nên theo quy luật thị trường, giá sẽ tăng. Khách hàng phải bỏ một số tiền lớn hơn để sở hữu được nhà ở. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn do chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng cao và mất cơ hội kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Công ty Nam Long, nói rằng nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm. Doanh nghiệp đã khó khăn sẽ thêm khó vì mất cơ hội làm ăn, người mua nhà cũng khổ theo.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho hay hiện một trong những vướng mắc nhiều nhất với doanh nghiệp bất động sản là các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn, dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm.
Ông Quang cho rằng điều này khiến các doanh nghiệp bất an
Ngoài ra, Chủ tịch Nam Long cho rằng với tình hình cơ chế hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang trở nên thận trọng, thậm chí không dám đặt mục tiêu trăng trưởng cao mà chỉ duy trì ở mức độ thấp, hoặc âm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang bỏ thành phố "dạt" về tỉnh thành khác làm ăn.
"Một vấn đề tôi muốn nói là khi điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh các thiết kế công trình, nhà nước luôn tính tiền bổ sung, nhưng các quy định thì vướng, doanh nghiệp khó hoàn tất thủ tục để kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Quang nói.
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng Giám đốc Novaland, nhìn nhận hiện thị trường đang rất thuận lợi khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác làm ăn. Nhưng ách tắc là tiến độ triển khai các dự án bất động sản đang gặp khó. Theo ông, nguyên nhân là các thủ tục pháp lí khiến các nhà đầu tư lo sợ phải chịu nhiều rủi ro, nên có tâm lí chờ động thái tích cực từ cơ quan quản lí nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng điều cần thiết giải cứu thị trường bất động sản hiện nay là TP HCM nhanh chóng công khai hơn 120 dự án không vướng pháp lí, đơn giản các thủ tục về xác định tiền sử dụng đất để doanh nghiệp triển khai đầu tư.
"Việc tiến hành rà soát, thanh tra lại các dự án khiến những nhà đầu tư đang mất thời cơ kinh doanh, đồng thời trả thêm chi phí lãi suất, vốn vay cao khiến tình hình kinh doanh kém hiệu quả", ông Huy nói.
Tổng giám đốc Novaland cho hay hiện doanh nghiệp này đang có 10 dự án có vướng mắc, một số dự án dân đã vào ở nhưng chưa thể hoàn tất thủ tục, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Mà lí do là thủ tục về tiền sử dụng đất.
"Thực tế, thời gian qua, có dự án bị khiếu kiện kéo dài do các vấn đề pháp lí liên quan, làm mất uy tín doanh nghiệp", ông Huy nói.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp Phúc Khang bức xúc chuyện thời gian cấp phép dự án quá dài, mất đến 3-4 năm mới xong thủ tục.
"Trong khi một dự án doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư 1.000-2.000 tỉ đồng. Số tiền ngàn tỉ đi qua 5 bước thủ tục giấy tờ làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Thêm việc các dự án bị dừng lại để kiểm tra thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư ái ngại", bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO Phúc Khang nói.
Đại diện Phúc Khang kiến nghị, các dự án đã thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lí thì thành phố để doanh nghiệp triển khai, chứ không thể dừng được. Bởi "Không xử lý nhanh thì cơ hội thu hút đầu tư sẽ không còn, người có nhu cầu mua nhà có thể chuyển đến địa phương khác", bà Thanh Mẫu nói thêm.
Bí thư nhấn mạnh không để xảy ra hiện tượng "người đứng đầu nói không biết phải giải quyết thế nào".
Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Đất Lành, thì cho rằng rất đau lòng khi phân khúc nhà bình dân đã biến mất tại thành phố. Người có nhu cầu hiện nay không còn mua được căn hộ có giá dưới 25 triệu/m2. Nguyên nhân là chính sách đầu tư loại hình nhà này đã không hấp dẫn doanh nghiệp, suất sinh lời thấp, nhiều rủi ro.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận mỗi vấn đề doanh nghiệp phản ánh đều có nguyên nhân. Ông nhấn mạnh những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, quan điểm của thành phố là sai ở đâu thì giải quyết, xử lí tận gốc ở đó.
Ông Tuyến cũng nói thêm thành phố đang chịu áp lực thu ngân sách mỗi ngày trên 1.000 tỉ đồng. Nếu doanh nghiệp bất động sản khó như hiện nay thì gánh nặng ngân sách rất căng thẳng.
Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận có hiện tượng cán bộ yếu kém và sợ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan lĩnh vực bất động sản hiện nay.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp bất động sản trong việc đóng góp vào sự phát triển của TP HCM. Theo Bí thư Nhân, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ riêng doanh nghiệp tại TP HCM gặp phải mà là cả nước. Tuy nhiên, điều này chỉ trong ngắn hạn.
Ông nhìn nhận chưa lúc nào thời cơ trong kinh doanh bất động sản lại lớn như bây giờ. Bởi dân số đang tăng cao. Cứ năm năm dân số tăng 1 triệu người, tương ứng nhu cầu 250.000 căn hộ. Mức thu nhập đầu người cũng không ngừng tăng, sức chi trả tốt nên cầu về nhà của người dân thành phố vô cùng lớn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp cùng chính quyền lo chỗ ở cho dân, tạo thu nhập.
Điều nghịch lí hiện nay là TP HCM mới chỉ có 38% nhà ở kiên cố. Đến 60% nhà ở là bán kiên cố và 2% nhà tạm. Nhu cầu về nhà ở tại thành phố đang rất lớn.
Ngoài ra, theo một thống kê mới đây, TP HCM mới có 38% là nhà kiên cố, 60% là bán kiên cố và 2 % là nhà tạm… Con số này đang khiến chính quyền và người dân thành phố phải nhìn nhận lại về nhà ở. Và đây cũng là cơ hội của doanh nghiệp bất động sản. Do vậy mà những khó khăn nhất thời hiện nay các doanh nghiệp không nên bi quan.
Ông cũng nói kinh doanh bất động sản là doanh nghiệp đang làm một nghề đặc biệt. Nghề để lại tài sản đặc biệt cho đất nước, đó là các công trình, hạ tầng thể hiện tầm vóc của thành phố, của đất nước. Do vậy, chính quyền cần phải hỗ trợ, song hành cùng sự phát triển.
Các vấn đề bức xúc mà doanh nghiệp kiến nghị, Bí thư Nhân cho rằng mọi việc xử lí vấn đề phải có qui trình. Ông chỉ đạo thành phố cần vẽ lại qui trình triển khai một dự án để doanh nghiệp nắm mình làm tới đâu, tắc gì và tắc do ai, để từ đó có hướng xử lí. Một qui trình đi qua nhiều sở thì phải có một sở làm đầu mối tổng hợp, hoặc là UBND thành phố, không để tình trạng doanh nghiệp đi lòng vòng rồi bức xúc.
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn cho biết hiện thành TP HCM có 36.000 doanh nghiệp xây dựng và 11.000 doanh nghiệp bất động sản. Theo thống kê, các doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng ổn định 7-10%, trong đó, bất động sản có mức tăng trưởng ổn định khoảng 8%. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP thì bất động sản chiếm tỉ trọng cao hơn xây dựng, đạt 7,3%.
Tuy nhiên trong quý I/2019, các hoạt động liên quan bất động sản như huy động vốn giảm rất nhiều, một số tiêu chí giảm đến hơn 50% so với cùng kì. Theo Sở Xây dựng TP HCM, tình hình này sẽ ảnh hưởng chung đến tốc độ phát triển ngành và tỉ trọng đóng góp cho GDP trong năm nay, khi thị trường bất động sản đầu năm có nhiều vướng mắc.