Chi phí thương mại trong thời kì đại dịch Covid-19

Ban Thư ký WTO công bố một báo cáo cảnh báo về khả năng tăng chi phí thương mại do tác động của Covid-19.

Báo cáo xem xét tác động của đại dịch đối với các thành phần chính của chi phí thương mại, đặc biệt là những chi phí liên quan đến đi lại và vận chuyển, chính sách thương mại, sự không chắc chắn và xác định các lĩnh vực có thể vẫn duy trì chi phí cao ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát.

Báo cáo ước tính chi phí đi lại và vận chuyển chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí thương mại, tùy thuộc từng ngành. Do đó, các hạn chế đi lại do đại dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí thương mại chừng nào nó vẫn còn hiệu lực.

Ví dụ, khối lượng vận chuyển hàng không toàn cầu giảm 24,6% vào tháng 3/2020, do những chuyến bay chở hành khách chiếm một nửa lượng chuyên chở hàng không. Theo báo cáo, đây là nguyên nhân dẫn đến cước phí hàng không tăng lên và chỉ có khả năng giảm xuống khi vận tải hành khách phục hồi. 

Trong khi vận tải đường biển và đường bộ không phải đối mặt với những cú sốc tương đương. Vận tải biển đã giảm số lượng các chuyên ra khơi, trong khi vận tải đường bộ quốc tế bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa biên giới, các biện pháp phòng dịch và đường vòng trong lộ trình hàng hóa. 

Hơn nữa, những chuyến công tác có vai trò quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ thương mại và quản lí chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang bị gián đoạn. Chất lượng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và sự chuẩn bị về mặt kĩ thuật số là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ ứng phó của các nền kinh tế.

Báo cáo: Chi phí thương mại trong thời kì đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Các rào cản chính sách thương mại và sự khác biệt về qui định ước tính chiếm ít nhất 10% chi phí thương mại trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, các rào cản thương mại tạm thời, sự khác biệt về qui định và chi phí vượt biên giới, cũng như các chính sách khác tác động đến thương mại, ví dụ như thiếu các hoạt động thuận lợi hóa đầu tư hoặc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Báo cáo lưu ý rằng mặc dù Covid-19 thúc đẩy cả hạn chế thương mại lẫn thay đổi tạo thuận lợi cho nhập khẩu trong thuế quan và các biện pháp quản lí, các biện pháp này cho đến nay chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ các sản phẩm. 

Đại dịch tạo cơ hội để số hóa các thủ tục hải quan và qui định, hạn chế tiếp xúc vật lí, nhờ đó có thể giảm chi phí thương mại liên quan trong dài hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra sự không chắc chắn là một yếu tố làm tăng tác động lên các chi phí thương mại hiện tại, đè nặng lên các dòng tài trợ thương mại và làm giảm mong muốn của doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nghiên cứu thị trường mới, cải thiện kĩ năng ngôn ngữ, tìm kiếm các đối tác tiềm năng, và tuân thủ các tiêu chuẩn nước ngoài. 

Trong quí đầu tiên của năm 2020, một thước đo mức độ không chắc chắn được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu được ghi nhận ở mức cao hơn 60% so với mức gây ra bởi Chiến tranh Iraq và bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) vào năm 2003. Vào giữa tháng 3, một chỉ số về sự biến động của thị trường tài chính đã gần đạt mức bằng năm 2008 sau sự sụp đổ của Lehman Brothers.

Dự báo tương lai, báo cáo lưu ý rằng nhiều chính phủ đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động kinh tế, ví dụ như bằng cách miễn các hạn chế đi lại cho một số đội vận tải, hoặc nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông. 

Trong khi nhiều thay đổi về chi phí thương mại có thể sẽ bị loại bỏ sau khi đại dịch được kiểm soát, báo cáo nhận thấy rằng một số ảnh hưởng có thể sẽ vẫn duy trì. Ví dụ, sự hợp nhất của ngành hàng không và sự thay đổi về nhu cầu di chuyển của hành khách có thể dẫn đến chi phí vận tải hàng không cao hơn. 

Ngoài ra, các lựa chọn chính sách của chính phủ có thể làm giảm hoặc tăng sự không chắc chắn trong chính sách thương mại, sẽ rất quan trọng trong việc định hình những chi phí thương mại liên quan đến sự không chắc chắn trong tương lai.

Nội dung chính của báo cáo

- Hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới là một phần quan trọng trong phản ứng chính sách ban đầu đối với đại dịch Covid-19. Những biện pháp này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại hàng hóa và dịch vụ. Việc vận chuyển hàng hóa, công tác và việc cung cấp các dịch vụ dựa vào sự hiện diện của các cá nhân ở nước ngoài. 

Chi phí vận tải và đi lại chiếm một phần quan trọng trong chi phí thương mại, tùy thuộc vào lĩnh vực, ước tính chiếm từ 15% - 31%. Do đó, các hạn chế đi lại làm tăng chi phí thương mại đáng kể khi vẫn còn hiệu lực.

- Hiệu suất dịch vụ vận tải hàng hóa là yếu tố quyết định đối với chi phí thương mại trong sản xuất. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19, vận tải hàng hải và đường bộ hầu như vẫn hoạt động bình thường, mặc dù đôi khi có sự chậm trễ đáng kể. 

Tuy nhiên, vận tải hàng không đã bị gián đoạn nghiêm trọng, với công suất vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không toàn cầu giảm 24,6% vào tháng 3/2020. Nhiều chính phủ đang cố gắng hết sức có thể để giữ cho thương mại lưu thông, nhưng ở một số khu vực, việc hạn chế đi lại có khả năng làm gián đoạn thương mại khu vực và sinh kế của người dân một cách nghiêm trọng.

- Các dịch vụ giao dịch dựa trên sự gần nhau về mặt vật lí giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, ví dụ như du lịch, vận tải hành khách hoặc dịch vụ bảo trì và sửa chữa, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hạn chế đi lại cùng với sự giãn cách xã hội và đã làm chi phí thương mại tăng vọt. 

Sự gián đoạn trong việc đi công tác, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ thương mại cũng như quản lí chuỗi giá trị toàn cầu, cũng có khả năng ảnh hưởng đến cả hoạt động kinh doanh, dịch vụ chuyên môn và sản xuất, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng thay thế giao tiếp trực tiếp bằng những tương tác trực tuyến. 

Do đó, chất lượng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và sự chuẩn bị về mặt kĩ thuật số sẽ là những yếu tố quan trọng giúp các nền kinh tế đối phó với cú sốc từ đại dịch.

- Các ước tính cho thấy các rào cản chính sách thương mại và sự khác biệt về qui định chiếm ít nhất 10% chi phí thương mại trong tất cả các lĩnh vực. Các sản phẩm thiết yếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch hầu hết đã được áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu tạm thời. 

Thuận lợi hóa nhập khẩu giúp hạ thấp chi phí thương mại, ngược lại với hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, cả hai loại biện pháp này đều chỉ chiếm một phần nhỏ trong thương mại toàn cầu.

- Mức độ không chắc chắn cao làm tăng tác động của chi phí thương mại đối với thương mại quốc tế. Ví dụ, trong quí đầu của năm 2020, một thước đo mức độ không chắc chắn được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu cao hơn 60% so với mức gây ra bởi Chiến tranh Iraq và bùng phát Hội chứng Hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) vào năm 2003. 

Sự không chắc chắn làm giảm mong muốn của các Công ty trong việc đầu tư vào các mối quan hệ thương mại mới, và sự gia tăng bất ổn cũng có thể dẫn đến sự thu hẹp tài trợ thương mại, điều này có thể gây ra hậu quả đặc biệt nặng nề đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Chi tiết về Báo cáo: Chi phí thương mại trong thời kì đại dịch Covid-19


chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.