Chiêu dìm giá đất ở Đông Anh của Chủ tịch Vimedimex

Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc dùng nhiều mánh để được trúng đấu giá khu đất ở Đông Anh với chỉ 20,1 triệu đồng/m2 song bán lại với mức 86,3 triệu đồng/m2.

Ngày 17/1, bà Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Y dược Vimedimex bị VKSND Hà Nội, truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.

Cùng tội danh, VKS truy tố 8 bị can là: Nguyễn Quang Hưng (phó tổng giám đốc Vimedimex), Tạ Thị Vân (tổng giám đốc Công ty Bất động sản Bắc Từ Liêm), Nguyễn Xuân Đức (phó tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Mỹ Đình), Nguyễn Thị Diệu Linh (Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội), Nguyễn Ngọc Thắng (Phó tổng giám đốc Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội) và Nguyễn Đức Phương (Thẩm định viên Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội), Trần Công Tuyên (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và GPMB thuộc Ban Quản lý dự án Đông Anh), Vương Thị Thu Thủy (chuyên viên Ban quản lý dự án huyện Đông Anh).

Bà Bùi Thanh Huyền, cựu chi cục phó quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. So với cáo trạng ban hành cách đây một năm, VKS bổ sung hai bị can này.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Trong đó có dự án xây nhà ở để đấu giá ở phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tương Dương. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh được giao tổ chức triển khai.

Tháng 8/2020, UBND Hà Nội ra quyết định giao 49.100 m2 đất tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương cho huyện Đông Anh để thực hiện dự án. Trong đó 16.100 m2 đất được đưa ra để đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở.

Đơn vị này không có chức năng xác định giá khởi điểm khu đất nhưng bị can Tuyên, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng, đã báo cáo lãnh đạo nhờ đơn vị thẩm định giá để xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá. Qua giới thiệu, Tuyên tìm đến Công ty CP thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Vvai) để trao đổi về phương án giá đất, xác định đơn giá cụ thể.

Công ty thẩm định sau đó khảo sát thực địa, lập các bảng tính về doanh thu, chi phí, lợi nhuận của nhà đầu tư, đơn giá đất. Cuối cùng xác định khu đất có giá 504 tỷ đồng, khoảng 30-31 triệu đồng/m2.

Ngay sau khi nhận được báo cáo thẩm định, Tuyên yêu cầu điều chỉnh, hạ giá đất xuống còn khoảng 300 tỷ đồng. Đơn vị thẩm định đồng ý và trực tiếp chỉnh sửa, hạ đơn giá đất trên bảng tính, hạ doanh thu phát triển để khu đất giảm xuống còn 334 tỷ đồng. 

Bà Nguyễn Thị Loan. (Ảnh: Vietpharm).

Từ sự móc nối của Tuyên và được cán bộ Chi cục quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giúp đỡ, Vvai đã được lựa chọn để ký hợp đồng thẩm định với Sở. Do đã thống nhất với Tuyên về việc "dìm giá đất" nên Vvai khi phát hành chứng thư đã lập khống 12 phiếu khảo sát để làm căn cứ thẩm định. Chốt lại, Vvai phát hành chứng thư thẩm định xác định giá khu đất là 284 triệu đồng, khoảng 17,6 triệu đồng/m2.

Bị can Cẩm Lê khi đó là cán bộ Chi cục quản lý đất đai được giao nhiệm vụ kiểm tra kết quả chứng thư và đồng thời là người lập dự thảo tờ trình để định giá đất. Tuy nhiên Lê không kiểm tra kỹ hồ sơ, không kiểm tra lại tài sản để so sánh nên đã chấp nhận giá mà Vvai đưa ra.

Bị can Huyền, chi cục phó quản lý đất đai, cũng không kiểm tra nên dẫn đến giá khởi điểm để đấu giá chỉ ở mức 17,6 triệu đồng/m2, thấp hơn thực tế rất nhiều, cáo trạng xác định.

Tháng 10/2020, hội đồng định giá đất tổ chức cuộc họp để ấn định lại giá khởi điểm. Tại cuộc họp có lãnh đạo các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố, UBND huyện Đông Anh, Vvai, đã điều chỉnh và thống nhất đơn giá khởi điểm 18,2 triệu đồng/m2.

Khi có giá khởi điểm, bà Loan sử dụng 3 công ty chân rết để tham gia đấu giá là CTCP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty BĐS Thanh Trì và Công ty BĐS Mỹ Đình. Cả ba công ty đều do Loan chỉ đạo, điều hành, nhờ người đứng tên thay.

Để có tiền hoàn thiện hồ sơ đấu giá, bà Loan đã chỉ đạo cấp dưới tất toán các sổ tiết kiệm lấy 90 tỷ đồng. Bà sau đó yêu cầu chuyển 30 tỷ đồng đi đặt cọc đấu giá.

Trong 6 hồ sơ nộp xin tham gia đấu giá, hai công ty bị loại do không đủ điều kiện, một công ty tự xin rút. Sót lại duy nhất 3 công ty đều của bà Loan vượt qua vòng hồ sơ để tham gia đấu giá.

Với mục đích đảm bảo chắc chắn trúng đấu giá khu đất, bà Loan yêu cầu cấp dưới bỏ giá theo một cách thức vạch sẵn. Vòng trả thứ nhất, cả 3 công ty đều trả giá bằng nhau và bằng giá khởi điểm là 18,2 triệu đồng/m2. Hai vòng trả tiếp theo, 3 công ty đều bỏ giá bằng nhau và cộng thêm 1 bước giá.

Vòng trả thứ tư, cả ba công ty đều không trả giá và ghi giống nhau là: "Không tiếp tục bỏ giá". Mục đích của việc này là để công ty đấu giá tổ chức bốc thăm chọn đơn vị trúng. Kết quả, Công ty Cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã trúng đấu giá khu đất với giá 326 tỷ đồng, tương đương 20,1 triệu đồng/m2. Có quyết định phê duyệt trúng đấu giá, bà Loan chỉ đạo vay 350 tỷ đồng của ngân hàng để nộp toàn bộ tiền sử dụng đất.

Sau khi nhận bàn giao đất, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021, bà Loan đã phê duyệt cho Công ty bất động sản Belleville Hà Nội bán 21/96 căn biệt thự và liền kề, thu về 311 tỷ đồng. Mặc dù chỉ trúng đấu giá 20,1 triệu đồng/m2 nhưng bà Loan đã bán ra với giá 86,3 triệu đồng/m2, cáo trạng nêu.

VKS xác định, hành vi thông đồng dìm giá của bà Loan và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 135 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bà Loan đã khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi sai phạm gây ra.

Để xảy ra sai phạm trên, ngoài các bị can bị truy tố, VKS xác định còn có trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định giá đất của UBND Hà Nội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.