Chính phủ muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Quốc hội đề nghị quản lí chặt chứ không cấm

Chính phủ cho rằng dịch vụ đòi nợ thuê thời gian qua có nhiều biến tướng, khiến tình hình an ninh trật tự phức tạp nên đề xuất bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra Quốc hội cho rằng cần được quản lí chặt vì đây là nhu cầu thực tế.

Hôm nay, tại Kì họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi) với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong dự thảo luật cũng bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lí nhà nước và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 2

Chính phủ đề xuất đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đáng chú ý, trong đó, Chính phủ đề xuất bổ sung kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra là vừa qua hoạt động đòi nợ thuê có nhiều biến tướng khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Bộ Công an cũng đề xuất đưa loại hình kinh doanh đòi nợ vào danh mục cấm, tránh phức tạp xã hội. 

Trả lời chất vấn Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc lực lượng công an đã khởi tố 436 vụ án/766 bị can về các tội danh liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó khởi tố 214 vụ/947 bị can liên quan đến cho vay nặng lãi.

Song song đó, cơ quan công an cũng đã làm tan rã 1.400 băng băng nhóm, tổ chức, đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên toàn quốc.

Trong báo cáo mới đây, cơ quan chức năng TP HCM cho biết, trên địa bàn có tới 99% các công ty đòi nợ thuê vi phạm pháp luật.

Hình thức phổ biến của các công ty này là câu kết với băng nhóm xã hội đen, cho người "xăm trổ", nói năng vô lễ trấn áp tinh thần người dân. Khi lực lượng chức năng có mặt, chỉ có 1, 2 người là nhân viên của công ty. Số còn lại thường là những thanh niên bặm trợn, có tiền án tiền sự, tuy nhiên họ thường lấy lí do đến chơi với bạn chứ không đi đòi nợ thuê…

Quốc hội: Cần quản lí chặt thay vì cấm dịch vụ đòi nợ thuê

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng đề xuất đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh của Chính phủ cần được cân nhắc. 

Nhiều đại biểu cho rằng không nên vì quan điểm không quản được thì cấm. Bởi thực tế hiện quan hệ vay và cho vay đang phổ biến và phức tạp, nếu dịch vụ đòi nợ thuê là một tổ chức hợp pháp thì đây là hình thức văn minh trong xã hội.

doi-no-thue1_lnwf

Thẩm tra Quốc hội cho rằng thay vì cấm, cần quản lí chặt dịch vụ cho thuê. (Ảnh: Thanh Niên).

Trước tranh cãi này, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Hình thức này thực tế đáp ứng nhu cầu của khách hàng, khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng không phủ nhận việc do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. 

Kết luận về vấn đề, Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lí nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban tán thành với ý kiến đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật theo quy định Hiến pháp năm 2013.

Về chính sách đầu tư kinh doanh, để tránh trường hợp lạm dụng, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định khoản 3 Điều 5 phù hợp với quy định Hiến pháp và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật về quyền con người, quyền công dân. 

Theo đó, những quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, và mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, tách bạch rõ trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đầu tư, không chấp thuận chủ trương đầu tư và trường hợp tạm dừng, đình chỉ hoạt động đầu tư. 

Theo Ủy ban Kinh tế, Quy định tại khoản 3 Điều 5 mang tính chất định tính có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dễ bị lạm dụng, không tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.