Công tác cán bộ có thể nói là một trong những vấn đề thường trực trong suy nghĩ và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xác định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là vấn đề hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Người viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Vì vậy, Người khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và hình dung việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của Đảng phải tỉ mỉ, công phu “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu” thì mới ra được những cán bộ tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946. ẢNH: T.L. |
Trong công tác cán bộ, Người rất coi trọng việc tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Ngày 14.11.1945, hơn hai tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong bài viết Nhân tài và kiến quốc, Người đã khẳng định: “kiến quốc cần có nhân tài”.
Đến cuối năm 1946, Người gửi bức thư Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi đồng bào cả nước ở đâu thấy có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ sử dụng. Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Không chỉ nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Khi dùng người tài, Người chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Người vẫn tìm mọi cách để mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến khi Người đi Pháp năm 1946, nhiều cán bộ là đảng viên, Người không giao mà quyết định giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước.
Hay như cụ Bùi Bằng Đoàn, làm tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Người vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi GS Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người trọng dụng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Các bộ trưởng trong Chính phủ sau Cách mạng hầu hết đều là người ngoài Đảng.
Hàng loạt trí thức tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng được Người trọng dụng, giao trọng trách từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai... Khi đó, Võ Nguyên Giáp mới 34 tuổi đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 37 tuổi đã là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội.
Vì sao Người có biệt tài dùng người như vậy? Người có cần phải nghe báo cáo, hồ sơ của cấp ủy theo quy trình như chúng ta vẫn thường làm hiện nay đâu? Dùng ai, cất nhắc, bổ nhiệm ai, Người cho gặp trực tiếp để trao đổi, đối thoại và quan sát để cảm nhận về con người ấy. Khi đã yên tâm để có thể giao việc, Người vẫn còn căn dặn rất kỹ.
Có một câu chuyện giữa Người với ông Lê Giảng, khi đó là cán bộ cao cấp của Đảng mà Người sử dụng, bố trí vào chức vụ cao cấp trong ngành tư pháp. Sau khi ưng ý mọi chuyện rồi, Bác mời ông Giảng ăn cơm. Trong bữa cơm, Người nói: "Chú làm nghề này (tòa án) phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được, bác sẽ thiết diện vô tư với chú". Phải thấu đáo đến như thế thì mới chọn được người tài.
Cùng với việc chọn người tài, sử dụng người tài đối với Người cũng là một nghệ thuật. Người nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Theo Người, sử dụng nhân tài phải biết “tùy tài mà dùng người”, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường của họ. Người giải thích về việc này rất dễ hiểu: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dụng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”.
Trong việc trọng dụng người tài, Người chỉ rõ trách nhiệm của người lãnh đạo. Người nhấn mạnh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ... Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc”.
Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc từ năm 1947, Người đã nhắc đến bệnh hẹp hòi của những người lãnh đạo. Người nói: “Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng”. Người còn căn dặn: “Phải tránh cái bệnh chỉ thích dùng những người cùng cánh hẩu với mình”.
Cùng với việc trọng dụng nhân tài, Người cũng đặt ra yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra công tác cán bộ, sử dụng nhân tài để “một mặt tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Người đã sớm phát hiện những dấu hiệu hư hỏng, lợi dụng chức quyền để chỉ mưu lợi cho cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những cơ quan Người quyết định thành lập đầu tiên chính là thanh tra. Bản thân Người những năm cuối đời dù tuổi cao sức yếu vẫn 700 lần xuống cơ sở để phát hiện tình hình, kiểm tra uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai trái. Người nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.
Dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tư tưởng của Người về công tác cán bộ, về thu hút, sử dụng nhân tài cho tới nay vẫn còn đẫm tính thời sự. Trọng nhân tài, biết dùng nhân tài và kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức, đang gây hại cho việc chung chính là mấu chốt của công tác cán bộ. Như cách Người vẫn nói: “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.
Việt Nam có thêm hơn 1.200 GS, PGS không liên quan việc 'trượt' xếp hạng 350 đại học châu Á?
PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, Việt Nam không có trường đại học nào ... |