"Một trong những thách thức rất lớn là mình mua 1 công ty nhà nước -Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex. Những con người thuộc bộ máy đó đã làm trong nhà nước mấy chục năm rồi, bây giờ làm sao để họ thay đổi, chuyển công ty nhà nước thành công ty tư nhân, sau đó là công ty đại chúng?", ông Thành nói và cho biết bí quyết chính là "nhân trị".
Chủ tịch Kido Trần Kim Thành.
Chia sẻ tại một hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Kim Thành cho biết: “Khi mới tiếp quản một công ty nhà nước, mình không thể dùng pháp trị ngay được vì nhà nước đã quá thừa pháp trị rồi. Mình mà sử dụng pháp trị với mấy anh này thì rất khó nói chuyện”. Pháp trị - theo ý ông Trần Kim Thành là những quy tắc, quy định mang tính thưởng - phạt.
Ông Trần Kim Thành cho biết khi mới tiếp quản Vocarimex vào tháng 7/2017, bản thân ông và Kido gặp phải một thách thức lớn là tiếp nhận một hệ thống với hàng chục công ty con mà hầu hết những nhân sự trong hệ thống đó đã làm trong nhà nước mấy chục năm, “như anh Tổng giám đốc là 38 năm rồi”, ông Thành cho biết.
Điều đó có nghĩa là có sự chênh lệch rất lớn về tư duy và cách làm giữa 2 bên.
Sau một thời gian ngắn tìm hiểu, ông Trần Kim Thành quyết định tổ chức các buổi tập huấn cho toàn bộ lãnh đạo cấp trung và cao của Vocarimex mà đích thân ông đứng lớp. “Đích thân Thành đứng lớp để chia sẻ những quan điểm kinh doanh của mình cho toàn bộ cán bộ cấp cao của công ty mình mua về. Thách thức làm sao để trong vòng 6 tháng chuyển những con người này trở thành người của Kido”, ông Thành kể lại.
Trong 6 tháng đầu tiên này, Chủ tịch Kido Trần Kim Thành quyết định phải dùng “nhân trị” - nghĩa là tạo sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa các nhân sự của Vocarimex và Kido.
“Trước tiên, mình cho họ thấy là nếu tham gia vào tập đoàn này thì hướng phát triển sẽ ra sao, quyền lợi và lợi ích của họ như thế nào”, ông Thành nói.
Muốn như vậy, theo ông Trần Kim Thành, việc quan trọng đầu tiên cần làm hậu M&A là chỉ rõ các thế mạnh của nhau và tôn trọng điểm mạnh của đối phương.
“Nếu về lĩnh vực thị trường, về ngành dầu nói chung và chế biến dầu nói riêng thì Vocarimex họ hiểu hơn mình nhiều. Như vậy, cái phần này mình phải tôn trọng họ. Tức là phải giữ lại những quan điểm, những cách làm việc liên quan tới ngành nghề của họ”, Chủ tịch Kido giải thích.
“Nhưng phương pháp bán hàng, phương pháp quản lí, cách sử dụng và quản lí tài chính thì mình (Kido) lại có thế mạnh hơn họ. Vì công ty nhà nước trước đây thì họ nặng về hành chính.
Ví dụ, 1 năm họ nhập 1 triệu tấn dầu cho người Việt Nam có đủ dầu dùng nghĩa là họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng 1 triệu tấn đó nhập về công ty có lãi hay không thì không phải là vấn đề quan trọng”, ông Thành nói thêm.
Sau khi đã hiểu rõ và thống nhất quan điểm về điểm mạnh, điểm yếu của các bên thì “viết lại một cách đàng hoàng” và bắt tay vào thực hiện.
Vào giai đoạn thực hiện, ông Trần Kim Thành đã cho người của Kido xuống cùng làm việc với các nhân sự của Vocarimex để “họ hiểu dần dần”.
“Sau 1 tháng mình để cho họ tự làm, mình đứng bên quan sát. Họ bắt đầu cảm nhận cách làm bây giờ tốt hơn trước và đến tháng thứ 3 mình lui ra, mình trở thành cố vấn.
Sau đó nữa mình hoàn toàn rút hẳn. Mình chỉ duy trì 1 đội giúp các phòng/ban thay đổi hệ thống”, ông Trần Kim Thành kể lại.
Ông chủ Kido cũng cho biết toàn bộ quá trình trên được thực hiện trong 6 tháng: “Từ nhà nước chuyển sang tư nhân mà không có ai bị mất ghế và họ cùng đóng góp cho công ty phát triển”.